Chia sẻ với Ngày Nay, ông Tuấn Kiều, quản lý của doanh nghiệp KymViet chia sẻ:
"KYMVIET rất vinh dự được tiếp đón Công Nương KIKO tới thăm. Tại đây, Công Nương đã có những trải nghiệm thú vị mang tính bản sắc của chúng tôi như: sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để gọi đồ uống, giao lưu cùng các bạn điếc tại xưởng, trải nghiệm cách tạo ra sản phẩm thủ công vô cùng tinh xảo giàu tính văn hoá Việt."
Tại buổi tiếp này, Chủ tịch Phạm Việt Hoài cũng đã trao tặng một sản phẩm RỒNG VIỆT do chính bàn tay khéo léo của các bạn thợ thủ công tạo ra. |
KymViet chính thức trở thành thành viên Mạng lưới Sáng kiến phát triển vì cộng đồng NICE của Trung tâm Thông tin UNESCO vào năm 2020.
Trước đó, đoàn Hoàng gia Nhật Bản cũng đã chủ động liên hệ đề nghị KymViet sắp xếp một buổi học online qua Zoom, cử đại diện dạy Công nương Kiko cách dùng ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam trước khi chuyến thăm chính thức diễn ra.
Người đảm nhận việc dạy từ phía KymViet là cô Nguyễn Thị Đính, cô đã có hàng chục năm gắn bó với việc dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính, và hiện là người phụ trách đội ngũ nhân viên pha chế của KymViet. Cô Đính cho biết, trên thế giới có rất nhiều kiểu ngôn ngữ ký hiệu, thậm chí cộng đồng người điếc và khiếm thính cũng có cả "teencode" với sắc thái biểu đạt trẻ trung, phóng khoáng.
Công nương Kiko đã khá thông thạo ngôn ngữ ký hiệu Nhật Bản trước đó, và buổi học hai tiếng đã tập trung giúp Công nương hiểu hơn về hệ thống ký của Việt Nam. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã cử ba nhân viên ngồi ở đầu cầu Hà Nội, trong khi công nương xuất hiện từ đầu cầu hoàng cung. Việc đoàn Hoàng gia Nhật Bản liên hệ để học về hệ thống ký Việt Nam đã thể hiện sự cầu thị, tỉ mỉ và chu đáo từ phía nước bạn.
Giảng viên Nguyễn Thị Đính hướng dẫn cách gọi đồ uống trong quán cà phê. |
Tại Kym Việt, Công nương Kiko đã dùng ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam để giao tiếp với nhân viên phục vụ.
KymViet cũng tặng cho công nương con rồng nhồi bông được làm thủ công và tỉ mỉ trong nhiều ngày. "Công nương Kiko đã rất thích thú và trân quý món quà, thậm chí khi ra xe ô tô, bà trực tiếp ôm con rồng trên tay mà không cần trợ lý hay thư ký làm việc này", anh Tuấn Kiều cho biết.
Chủ tịch Phạm Việt Hoài đã bày tỏ với Công nương Kiko về mong muốn được đưa nhiều hơn những sản phẩm của thợ thủ công khuyết tật Việt Nam tới Nhật Bản, cùng với đó mở rộng mạng lưới kết nối với các đối tác Nhật Bản để cùng nhau phát triển các sản phẩm. “Các sản phẩm thủ công của người khiếm thính Việt Nam như một cầu nối văn hóa, kinh tế, để nhân dân Nhật Bản thấy rằng cộng đồng người yếu thế của Việt Nam vẫn đóng góp được những sản phẩm đặc biệt cho nền kinh tế, tạo ra giá trị cho xã hội. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp xã hội Việt Nam tiên phong tiến ra thế giới, tạo dấu ấn về sản phẩm Việt Nam trên thế giới”, ông nhấn mạnh.