Xây dựng tốn kém…
“Qua hơn 10 năm thực hiện chỉ có 60 công trình được công nhận là Công trình xanh trong đó nhiều công trình ở bước dự án” - ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết.Việc phát triển công trình xanh còn hạn chế do hàng loạt nguyên nhân như: khái niệm công trình xanh còn mới, các giải pháp kiến trúc, quy hoạch phát triển công trình xanh chưa được đưa vào chương trình đào tạo kiến trúc sư, kỹ sư. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công trình xanh còn chưa đầy đủ. Chi phí đầu tư ban đầu công trình xanh thường cao hơn so với bình thường, chưa có cơ chế khuyến khích, ưu đãi thích đáng hoặc bắt buộc trong việc xây dựng các công trình xanh...
Ông Tùng dẫn chứng, hiện nay các chuyên gia đang tranh luận về mức chi phí ban đầu tăng thêm 10 – 30% tổng chi phí xây dựng, tuy nhiên chưa có câu trả lời cụ thể do đó gây tâm lý e ngại cho các chủ đầu tư khi quyết định xây dựng theo hướng công trình xanh. “Trước đây công trình thi công kéo dài 3 năm chúng ta không tính toán được hiệu quả kinh tế nhưng bây giờ phải tính toán vì thời gian, tốc độ cũng là hiệu quả. Cho nên hiệu quả được tính toán bù lấp cho chi phí ban đầu”, ông Tùng tính toán.
Nhưng hiệu quả sử dụng lại tiết kiệm
Theo ông Đỗ Thanh Tùng, cư dân sống tại công trình xanh sẽ được thụ hưởng những lợi ích như gia tăng 3 - 5% năng suất lao động; giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe; giảm tiêu hao 30 - 50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo, qua đó giảm phát thải khí nhà kính; giảm 10 - 15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; nâng cao tuổi thọ công trình... Hơn thế nữa, các công trình xanh khi vận hành cũng góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển đô thị như giảm thiểu tác động xã hội, tạo lập môi trường sống bền vững, thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc, quảng bá hình ảnh đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế du lịch. Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng cho hay, đầu tư cho công trình xanh giúp nhà đầu tư tiết kiệm được một khoản lớn trong quá trình vận hành như: hệ thống gió tự nhiên giảm công suất tiêu thụ của điều hòa, vách ngăn kính lớn giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên vào chiếu sáng trong tòa nhà, giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ đèn điện. Chi phí vật liệu xây dựng ban đầu mặc dù tốn kém hơn nhưng bù lại hiệu quả sử dụng tuyệt đối tiết kiệm.
Theo nhiều chuyên gia xây dựng và kiến trúc sư, để phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, Việt Nam cần phải hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển công trình xanh. Hệ thống văn bản bao gồm từ quy chuẩn thiết kế, xây dựng công trình xanh, quy định về công tác thẩm tra, thẩm định, nghiệm thuc ông trình xanh, các cơ chế về tài chính…
Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kiến trúc truyền thống sử dụng năng lượng tự nhiên, thích nghi với điều kiện môi trường trong việc thiết kế công trình mới đặc biệt là công trình trong đô thị. Nâng cao vai trò của tư vấn thiết kế trong việc lựa chọn các giải pháp quy hoạch, xây dựng công trình, bố trí không gian hợp lý nhằm tiết kiệm năng lượng trong quá trình vận hành công trình.
Công trình xanh được định nghĩa là các công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua: sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.