Sau thông tin nhiều công ty sản xuất thịt của Brazil (trong đó có 2 doanh nghiệp chiếm sản lượng lớn nhất là JBS và BRF) bị điều tra vì xuất khẩu thịt nhiễm bẩn, sử dụng hóa chất cấm thì cơ quan thú y của Việt Nam cũng vừa yêu cầu ngừng nhập khẩu sản phẩm từ 21 nhà máy bị điều tra.
Sau thông tin này, hầu hết cửa hàng kinh doanh thịt nhập khẩu từ Brazil đều cho biết đã ngừng bán. Trước đó, nhiều cửa hàng online đã rao bán rầm rộ sản phẩm này.
Chủ cửa hàng ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết đang cung cấp đầy đủ các loại thịt nhập khẩu từ Mỹ, Australia và Brazil. Tuy nhiên, vài ngày gần đây, cơ sở đã ngưng bán sản phẩm từ Brazil vì nghe thông tin thịt không an toàn.
“Thấy khách hàng hỏi dồn dập về thông tin sản phẩm bẩn nên chúng tôi cũng lo lắng và quyết định ngừng bán những sản phẩm nhập từ quốc gia này. Trên thực tế, giá sản phẩm này rẻ bằng một nửa sản phẩm của Mỹ, Australia và chỉ bán được cho khách hàng sỉ hoặc các bếp ăn công nghiệp, còn với các hộ gia đình họ chuộng bò Mỹ hơn”, chủ cửa hàng này nói và cho biết thông thường giá các loại bắp bò, vai bò Brazil chỉ ở mức 140.000-160.000 đồng một kg, còn đối với thịt sườn hoặc thịt ba chỉ, giá chỉ từ 100.000 đến 120.000 đồng.
Cũng chuyên bán thịt nhập khẩu, anh Linh - chủ cửa hàng ở quận Thủ Đức (TP HCM) cho biết, thực tế sức mua của bò Brazil khá khiêm tốn nên ngay sau khi nghe những thông tin không tốt về sản phẩm này, cửa hàng cũng đã ngưng bán.
Ngoài sản phẩm thịt bò,thì chân gà, cánh gà Brazil vốn được rao bán rầm rộ trên các trang mạng cũng tuyên bố hết hàng. Chủ cửa hàng thực phẩm nhập khẩu từ Đông Anh (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm tới nay chân gà và cánh gà Brazil đã không được nhập về, thay thế vào đó là hàng từ Australia và Italy. “Đa phần hàng được chúng tôi lấy từ công ty nhập khẩu, tuy nhiên, hàng bị cấm nên đã không còn bán trên thị trường. Trước đó, chân và cánh gà từ Brazil luôn chiếm số lượng lớn tại cửa hàng của chúng tôi, giá sản phẩm khá rẻ, chỉ 50.000-60.000 đồng một kg. Sản phẩm đa phần bán cho bếp ăn công nghiệp và quán ăn”, chủ cửa hàng này cho biết.
Trao đổi với VnExpress, ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (VISSAN) cho biết, mỗi tháng công ty chỉ mua vài chục tấn hàng đông lạnh có xuất xứ Brazil từ Công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long để chế biến đồ hộp. Toàn bộ sản phẩm này được Cục thú y kiểm tra khắt khe và không nhập từ 21 đơn vị nêu trên. Ngoài ra, trên đồ hộp của công ty có thông tin sản phẩm được ghi đầy đủ thành phần.
“Thực tế, nếu so lượng bò Brazil với bò Australia hay một số loại từ các quốc gia khác thì chúng chỉ chiếm phần trăm rất nhỏ. Mặt khác, cơ cấu sử dụng thịt từ gia súc, gia cầm của người Việt đa phần thịt heo chiếm tỷ trọng lớn lên tới 75%, 6% đến từ thịt bò, 19% từ gia cầm và một số loại thịt khác”, ông Mười nói.
Mới đây, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã xác nhận, qua kiểm tra tại các cửa khẩu, hiện không có bất kỳ lô hàng thịt nào có nguồn gốc từ 21 nhà máy của Brazil đang bị điều tra được nhập khẩu vào Việt Nam. Như vậy, hiện nguồn thịt trong các doanh nghiệp đang sử dụng được cho là an toàn.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tăng cường kiểm soát chặt các lô hàng thịt đã được chuyển lên tàu, máy bay để vận chuyển từ Brazil về Việt Nam. Các cơ quan thú y cửa khẩu đã tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, kết quả xét nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu.
Cánh gà ba khúc Brazil có giá 60.000 đồng một kg. |
Nếu phát hiện sản phẩm thịt có nguồn gốc từ 21 nhà máy đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất không an toàn thì dừng ngay việc kiểm dịch, tiến hành niêm phong hàng và báo cáo về Cục Thú y để xử lý kịp thời.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2017 cả nước nhập khẩu gần 3.000 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD.
Năm 2016, nước này dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thịt bò với sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn, đồng thời cũng dẫn đầu về xuất khẩu thịt gà với sản lượng trên 4 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu thịt từ Brazil sang các nước chủ yếu là châu Âu, Liên bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore
Theo Vnexpress