Trong nhiều tuần, nhiều bài đăng và nội dung trên các nền tảng như Facebook, Twitter và YouTube cũng như các mạng xã hội mới nổi khác đã dự báo trước về "cơn bão" ở Điện Capitol dẫn đến cái chết của 5 người.
Trong một bài đăng trên Facebook được xác định bởi nhóm vận động trực tuyến Avaaz, một hình ảnh minh họa Trump cầm súng máy trước Nhà Trắng kèm theo dòng chữ "Hãy đến và chiếm nó". Một bức ảnh khác khắc họa Tổng thống Trump trong vai nhân vật "chú Sam" với tuyên bố: "Tôi muốn bạn ở Washington DC ngày 6/1. Tình hình sẽ là rất hoang dại"
Sau vụ bạo động, đã có rất nhiều bài viết và video ghi lại các diễn biến bên trong Điện Capitol ngày hôm đó, cùng với nhiều thông tin sai sự thật, kích động và chia rẽ xã hội Mỹ với trọng tâm là "ngăn chặn cuộc bầu cử bị đánh cắp" - vốn coi chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden là gian lận phiếu bầu.
Facebook cho biết họ đã “xóa nội dung và tài khoản vi phạm chính sách về việc kích động bạo lực và các tổ chức nguy hiểm từ trước đến ngày 6/1” và đang tiếp tục theo dõi và xóa các nội dung nguy hiểm.
Một phát ngôn viên của Twitter cho biết công ty đã “thực hiện hành động cưỡng chế đối với hàng nghìn tài khoản đang cố gắng phá hoại cuộc trò chuyện công khai và gây tổn hại trong thế giới thực”.
Vào thứ Sáu, Twitter đã khóa vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Trump cùng nhiều người ủng hộ ông này. Trong khi đó YouTube cho biết họ đã xóa nội dung vi phạm nguyên tắc cộng đồng của mình.
Hoạt động tương tự IS
Các chuyên gia thông tin chỉ ra rằng chính các nền tảng mạng xã hội lớn đã cho phép những kẻ phân biệt chủng tộc cực đoan và những người theo thuyết âm mưu tự do đăng tải các thông tin sai sự thật nhằm thu hút đám đông.
Alex Stamos, cựu giám đốc an ninh của Facebook chỉ ra rằng các đối tượng cực đoan thường lợi dụng các lỗ hổng của mạng xã hội bằng việc "làm loãng" các nội dung cần truyền tải, tương tự như cách thức mà tổ chức khủng bố IS đã làm để chiêu mộ thành viên và tiến hành khủng bố.
Các nội dung này rất khó để xác định liệu nó có phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng hay không, vì chúng không đề cập thẳng đến thông điệp chính mà chia loãng các thông tin cần thiết như "hãy đến cuộc biểu tình", hay "sẵn sàng để bùng nổ" nhằm qua mắt đội ngũ kiểm duyệt, theo ông Stamos.
Trước đợt thanh trừng của Facebook, nhóm cực hữu "Red-State Secession" đã kêu gọi gần 8.000 người theo dõi tìm địa chỉ nhà của các quan chức đã “giúp đánh cắp cuộc bầu cử”.
Nhóm này có liên kết với một trang web đã tuyên bố vào tuần trước một “cuộc cách mạng Mỹ thứ hai” sẽ bắt đầu vào ngày 6/1 và kêu gọi những người ủng hộ theo dõi tài khoản của họ trên các mạng xã hội khác như Gab và Parler “trước khi chúng tôi bị xóa”.
"Các nhóm cực hữu xuất hiện tại cuộc bạo động duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội như Parler, Gab, MeWe, Zello và Telegram và trong một số trường hợp đã thảo luận về việc sử dụng đám đông áp đảo để đột nhập vào Điện Capitol", Jared Holt, một nhà nghiên cứu thông tin tại tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết.