Trên các trang mạng xã hội do phe cực hữu kiểm soát, chẳng hạn như Gab và Parler, chỉ dẫn đường nào nên đi để tránh cảnh sát và công cụ nào cần mang theo để cạy cửa đã được trao đổi trong các bình luận. Ít nhất 10 người đã nhắc về việc mang súng vào hội trường Quốc hội.
Những lời kêu gọi bạo lực chống lại các thành viên Quốc hội và các phong trào ủng hộ Trump chiếm lại tòa nhà Capitol đã lan truyền trên mạng trong nhiều tháng qua. Được ủng hộ bởi chính Tổng thống Donald Trump, người đã tán thành các phong trào cực hữu như QAnon và Proud Boys, các nhóm đã công khai tổ chức trên mạng xã hội và tuyển dụng thành viên.
Hôm thứ Tư, những thảo luận trực tuyến của họ đã trở thành bạo động trong thế giới thực, dẫn đến cảnh đám đông chưa từng thấy tự do đi dạo qua các sảnh của Quốc hội và đăng tải các bức ảnh ăn mừng của chính họ, khuyến khích những người khác tham gia cùng đám đông quá khích.
Đây là lần đầu tiên tòa nhà Quốc hội Mỹ bị đột nhập, lần cuối cùng là vào năm 1814 khi Điện Capitol bị quân đội Anh tấn công.
Trên Gab, các phần tử cực hữu đăng tải các bức ảnh bản thân đột nhập vào văn phòng của các thành viên Quốc hội, bao gồm cả văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Hàng chục người đã đăng về việc tìm kiếm Phó Tổng thống Mike Pence, người đã từng là mục tiêu của ông Trump trước đó trong ngày.
Vào lúc 2:24 chiều, sau khi ông Trump tweet rằng Phó Tổng thống Mike Pence “không có đủ can đảm để làm những gì đáng lẽ phải làm”, hàng chục thông điệp trên Gab kêu gọi những người bên trong tòa nhà Capitol săn lùng Phó Tổng thống. Trong các video tải lên, người biểu tình có thể nghe thấy tiếng hò hét: "Pence ở đâu?"
Khi Facebook và Twitter bắt đầu đàn áp các nhóm như QAnon và Proud Boys vào mùa hè, họ dần chuyển sang các trang mạng xã hội khác cho phép công khai kêu gọi bạo lực.
Renee DiResta, một nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Internet Stanford, người nghiên cứu các phong trào trực tuyến, cho biết vụ bạo động hôm thứ Tư là kết quả của các phong trào trực tuyến hoạt động trên các mạng truyền thông xã hội kín nơi mọi người tin rằng các tuyên bố gian lận cử tri và cuộc bầu cử vốn đã bị thao túng.
“Những người này đang hành động vì họ tin rằng một cuộc bầu cử đã bị đánh cắp,” bà DiResta nói. “Đây là một minh chứng về tác động thực tế của các mạng xã hội. Nó cũng phủ nhận rằng có một ranh giới giữa trực tuyến và ngoại tuyến".