Ít ngày nữa, Yahoo chính thức thuộc về Verizon Communications, chấm dứt thời đại lẫy lừng của tên tuổi từng là nhà tiên phong trong kỷ nguyên internet. Sự kiện cũng đánh dấu kết thúc “nhiệm kỳ” 5 năm của nữ CEO Marissa Mayer, người được trả tổng cộng gần 250 triệu đôla - mức lương thuộc hàng cao ngất ngưởng của giới lãnh đạo công nghệ tại Thung lũng Silicon, dù công ty liên tục suy thoái.
Bà Mayer năm nay 42 tuổi, từng được ca ngợi như một vị cứu tinh khi rời Google để đến Yahoo. Nhưng trong thời gian điều hành của bà, Yahoo bị dính đến hai vụ vi phạm quyền riêng tư lớn nhất trong lịch sử. Các nhà quảng cáo rời bỏ nền tảng này. Người dùng thì quay lưng và chuyển sang Google, Facebook. Nhân viên của Yahoo giảm đi một nửa. Công ty suy thoái đến độ có rất ít sự lựa chọn để có thể “bán mình”.
Tuy nhiên, bà Mayer vẫn nhận được thu nhập hơn 900.000 đôla mỗi tuần khi điều hành Yahoo. Hầu hết khoản tiền này không phải là tiền mặt mà là cổ phiếu bà được nắm giữ khi ngồi vào ghế CEO. Để thu hút bà Mayer chấp nhận rời Google, Hội đồng quản trị Yahoo đã chấp nhận một mức đãi ngộ khá lớn. Cụ thể, bà nhận được một khoản cổ phiếu hạn chế trị giá 35 triệu đôla và quyền lựa chọn cổ phiếu trị giá 21 triệu đôla, theo giá trị cổ phiếu Yahoo vào năm 2012. Đó là chưa kể lương và thưởng.
Ngày 16/7/2012, khi bà đặt chân vào Yahoo, giá cổ phiếu của hãng là 15,65 đôla. Cuối tuần rồi, cổ phiếu Yahoo đóng cửa ở mức 50,6 đôla. Điều đó có nghĩa giá cổ phiếu của Yahoo đã tăng 3 lần trong 5 năm qua. Hiệu suất sinh lời của cổ phiếu này còn cao hơn cả Microsoft, Oracle và Cisco Systems, tương đương Alphabet, công ty mẹ của Google. Vì vậy, khi các cổ đông của Yahoo hưởng lợi thì bà Mayer cũng được chia phần không kém. Đến thời điểm chốt thỏa thuận bán lại cho Verizon, bà Mayer đã nắm trong tay được 239 triệu đôla.
Nguyên nhân là sau khi bán cho Verizon, Yahoo vẫn còn một công ty đầu tư với 57 tỷ đôla cổ phiếu tại Alibaba và Yahoo Nhật Bản. Nhờ một khoản đầu tư năm 2005 vào Alibaba, Yahoo hiện nắm 24% cổ phần của công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Đó là chưa kể 36% cổ phần của Yahoo tại Yahoo Nhật Bản hiện trị giá 9 tỷ đôla.
Chính những khoản đầu tư này chứ không phải bất kỳ hoạt động kinh doanh nào do bà Mayer điều hành là lý do để cổ phiếu Yahoo liên tục tăng giá. “Nó cũng giống như việc ai đó tham gia vào một công ty dầu mỏ và giá dầu bất ngờ tăng, kéo theo giá cổ phiếu công ty đó tăng”, Charles M. Elson – Giám đốc Trung tâm quản trị doanh nghiệp Weinberg, Đại học Delaware bình luận về khoản lợi nhuận bà Mayer có được khi về Yahoo.
Nhưng, công bằng mà nói, bà Mayer cũng có ít nhiều đóng góp. “Bà ấy là người có sức ảnh hưởng cao, là một CEO cố gắng mang lại sự hứng khởi và sức hấp dẫn cho Yahoo”, Martha Josephson - một đối tác cao cấp của công ty tuyển dụng Egon Zehnder mà bà Mayer hay hợp tác, bình luận.
Theo CNBC, quản lý các khoản đầu tư là lý do chính mà hội đồng quản trị thuê bà Mayer về. Ông Daniel S. Loeb buộc tội các vị CEO trước của Yahoo đã làm sai lệch hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty và mối quan hệ với Alibaba. Do đó, khi Mayer về, bà đã thuê một nhà kinh doanh dày dạn kinh nghiệm là Jacqueline Reses để làm đầu mối làm việc với Alibaba cũng như các lãnh đạo Jack Ma và Joseph Tsai. Chính bà Reses đã có công lớn trong việc hỗ trợ cho Alibaba tiến hành IPO.
Tuy nhiên, đối với các hoạt động kinh doanh của chính Yahoo thì bà Mayer không vực dậy thành công. Bà đến Yahoo khi hãng này “ngủ quên” và hoàn toàn không có chiến lược tiếp cận nền tảng di động, trong khi đó là kênh tiếp cận internet chính của đại đa số người dùng.
Thông qua thâu tóm và thuê mướn, bà cũng phát triển một số ứng dụng như Yahoo Weather hay Yahoo News Digest. Tuy nhiên, Yahoo không có cách nào trở thành một thói quen như những gì công ty đã từng làm được. Bà cũng đặt cược vào mạng xã hội khi chi 1,1 tỷ đôla mua lại trang Tumblr đang thua lỗ. Và lần nữa, Tumblr đến giờ vẫn không khá hơn được.
Một trong những sai lầm lớn nhất của bà là thuê một đồng nghiệp cũ từ Google - ông Henrique de Castro về làm giám đốc mảng quảng cáo của Yahoo. Nhưng bà đã sa thải ông chỉ 14 tháng sau đó với khoản bồi thường 58 triệu đôla. Theo tài liệu của tòa án, ông đã nhận được tổng cộng đến 108 triệu đôla. Hai vụ kiện sau đó đã xảy ra với lý do bà Mayer và hội đồng quản trị đã bồi thường quá mức mà không bảo vệ lợi ích của cổ đông.
Bà Mayer từng leo lên đỉnh Kilimanjaro - đỉnh núi cao nhất châu Phi. Năm ngoái, bà ví von việc cải tổ Yahoo cũng giống như chinh phục một đỉnh núi. “Tuy nhiên, không giống như Kilimanjaro, thách thức của Yahoo dường như là không thể vượt qua”, CNBC bình luận khi Yahoo cuối cùng cũng “bất lực” và phải chuyển giao toàn bộ mảng kinh doanh trên internet cho Verizon.