Số khoai tây trên đã được Trạm kiểm dịch và kiểm định thực vật (Chi cục TT&BVTV Lâm Đồng) phân tích và kết quả là tất cả các mẫu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng đều trong ngưỡng cho phép.
Được biết, từ tháng 6 tới nay, do trong những tháng mùa mưa nên lượng khoai tây Đà Lạt thiếu hụt nên khoai tây Trung Quốc bắt đầu được nhập về thường xuyên. Thông thường, các lô khoai tây Trung Quốc sau khi nhập về Chợ Nông sản Đà Lạt một thời gian ngắn, các thương lái lại vận chuyển xuống thị trường TPHCM và các tỉnh miền Tây để tiêu thụ.
Trước thực trạng trên, UBND TP Đà Lạt đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh khoai tây Trung Quốc phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ để người tiêu dùng phân biệt.
Theo một số tiểu thương Chợ Nông sản Đà Lạt thì khoai tây Trung Quốc cũng giống như các loại khoai tây khác, họ vẫn thường xuyên ăn loại khoai tây này. Tuy nhiên nhiều khách hàng sợ khoai tây có chất độc hại nên e ngại dùng loại nông sản này.
Một số điểm nhận diện hàng nông sản Đà Lạt và nông sản Trung Quốc |
Ngoài ra, giá thành của khoai tây Trung Quốc rẻ hơn của Việt Nam rất nhiều, nhưng một số nơi bán lẻ đã gắn mác cho khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt để bán giá cao gây nên sự nhầm lẫn và bức xúc.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, khi mua khoai tây, người tiêu dùng phải chú ý tới một số đặc điểm cơ bản để phân biệt giữa khoai tây Trung Quốc và Đà Lạt để trách sự nhầm lẫn. Ví dụ: khoai tây Trung Quốc có kích cỡ đều, củ to và dài, mắt củ sâu, vỏ trơn bóng, ít trầy xước còn khoai tây Đà Lạt củ tròn, mắt củ cạn, vỏ mỏng, dễ trầy xước…
Theo Dân Trí