Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các hội, đoàn thể, các cơ quan Trung ương trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả; tăng cường cảnh giác, đề cao trách nhiệm người đứng đầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.
Các đơn vị tập trung rà soát, hoàn thiện các quy trình, phương án phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu, nhất là tại các khu vực tập trung đông người, các cơ quan, đơn vị, các bệnh viện, cơ sở sản xuất và tại các nơi có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm dịch bệnh… ; tự trang bị các phương tiện, vật tư phòng, chống dịch cần thiết; thực hiện đầy đủ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là việc thực hiện tốt thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Người đứng đầu các cơ quan, sở ngành, đoàn thể chịu trách nhiệm về việc xem xét dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người trong phạm vi quản lý khi không cần thiết; trường hợp tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Khi tổ chức các sự kiện, hoạt động có tiếp xúc với người đến từ nước ngoài, nhất là từ các nước có nguy cơ cao phải tham khảo ý kiến của cơ quan y tế.
UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo các chiến lược kiểm soát dịch bệnh được ban hành và chỉ đạo của các cấp thẩm quyền. Trong đó, tập trung chiến lược ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, giám sát, phát hiện sớm qua xét nghiệm và điều trị hiệu quả các bệnh nhân xác định mắc Covid-19.
Sở Du lịch cần yêu cầu các cơ sở lưu trú thực hiện cách ly y tế đảm bảo chất lượng phục vụ theo quy định, bố trí đầy đủ nhân viên, bảo vệ; tuyệt đối không cho phép đưa hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm của người thực hiện cách ly ra ngoài cơ sở lưu trú; không cho phép người không có nhiệm vụ ra vào khu cách ly, trường hợp xin phép vào khu cách ly phải xin phép và được sự đồng ý của Trưởng Ban điều hành, quản lý cơ sở cách ly và cơ quan y tế.
Sở Giao thông vận tải thông báo sớm thời gian hạ cánh của các chuyến bay quốc tế, đồng thời bố trí các chuyến bay hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng cách nhau tối thiểu 05 giờ để đảm bảo tốt công tác phối hợp, chuẩn bị, sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận, cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.
Đặc biệt, Công an Thành phố tăng cường quản lý người nước ngoài trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp xử lý đối với các tổ chức, các nhân có hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Xử lý nghiêm các trường hợp làm lây lan dịch ra cộng đồng
Trước đó vào ngày 1/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc không tuân thủ quy định về cách ly phòng, chống dịch, dẫn đến xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng thời gian vừa qua.
Từ kinh nghiệm của hai đợt dịch trước, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19 từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch từ bên trong và chữa trị kịp thời, nhanh chóng cho người bệnh. Nhất là hiện nay, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào trong nước là rất cao bởi có số lượng lớn người Việt Nam về nước. Thủ tướng yêu cầu TP Hồ Chí Minh thực hiện cấp bách, thần tốc việc điều tra truy vết, cách ly mọi đối tượng F1, F2, không để vòng tuần hoàn thứ 3 lây nhiễm dịch ra cộng đồng. TP Hồ Chí Minh không bị coi là ổ dịch mà là nơi lây nhiễm từ bên ngoài.
Làm rõ trách nhiệm để xảy ra lây nhiễm mang về thành phố, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và xác định đây là vi phạm nghiêm trọng cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh giám sát việc này, không thể không xử lý để răn đe, giáo dục chung, nhất là tại các khu y tế tập trung. Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương không được lơ là, chủ quan, bởi dịch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải kiểm tra, đôn đốc quyết liệt thực hiện; tránh tâm lý chủ quan. Sự việc vừa qua là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là ngành y tế. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khi tiếp khách nước ngoài hoặc người từ nước ngoài về thì phải hỏi ý kiến của Bộ Y tế.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý tạm dừng các chuyến bay thương mại, chỉ thực hiện các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước đối với các trường hợp đủ điều kiện. Các hãng hàng không của Việt Nam khi có chuyến bay về nước phải thực hiện nghiêm túc các quy định về cách ly đối với tổ bay. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý chặt chẽ biên giới và hoạt động xuất nhập cảnh. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục dừng các hoạt động đông người không cần thiết. Các chương trình đông người nếu diễn ra phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Cần thực hiện giãn cách xã hội với các khu vực có nguy cơ cao và có chủ trương khoanh vùng hợp lý. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền để thấy rằng đại dịch Covid-19 vẫn rất nghiêm trọng, không được chủ quan.
Cần tiếp tục hướng dẫn người dân hiểu và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Cần ngăn chặn các thông tin xuyên tạc, bịa đặt về dịch bệnh gây hoang mang dư luận. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế cần sớm hợp tác với nước ngoài để sản xuất vaccine, khi cần thiết thì có thể tính toán mua vaccine phục vụ nhu cầu trong nước. Bộ Y tế cần có phương án cụ thể về vấn đề này để báo cáo Thường trực Chính phủ cho ý kiến. Sau cuộc họp này, Thủ tướng sẽ ban hành công điện hoặc chỉ thị về phòng, chống Covid-19 để các bộ, ngành, địa phương và nhân dân thực hiện.