Đại tướng Ngô Xuân Lịch ngày 27/4 đã có bài phát biểu trong phiên họp toàn thể thứ 2 của Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần thứ 5, với chủ đề: "Những thách thức an ninh và khả năng hợp tác quân sự quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho rằng, là một quốc gia trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chịu nhiều đau thương mất mát để giành và giữ độc lập dân tộc, Việt Nam thấu hiểu được giá trị của hòa bình và luôn khát khao hòa bình.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần 5.
Chính vì thế, để duy trì hòa bình, ổn định cho đất nước và đóng góp cho việc duy trì hòa bình của khu vực và thế giới, trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn kiên định nguyên tắc bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc phù hợp với luật pháp quốc tế, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định. Việt Nam không đi với nước này để chống nước khác; quan hệ với quốc gia này không làm phương hại đến lợi ích của quốc gia khác; giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế...
Bài phát biểu của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần 5
Ngoài ra, trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhận định châu Á-Thái Bình Dương là khu vực đang phát triển năng động và đầy tiềm năng, là nơi có thể chia sẻ nhiều lợi ích giữa các nước trong khu vực với nhau và với các nước ngoài khu vực.
Tuy nhiên, châu Á- Thái Bình Dương cũng đang phải đối mặt với những thách thức an ninh như nguy cơ xảy ra xung đột, vũ khí hạt nhân, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, và những hành động không tuân thủ chuẩn mực và luật pháp quốc tế… Và nếu các nước không hợp tác để cùng nhau giải quyết thì “Thái Bình Dương” không còn “Thái bình” theo đúng nghĩa của nó.
Đăng Nguyễn