Những ngày gần đây, trên mạng xã hội Facebook nổi lên một bài viết của tác giả N.A về việc voi tại hồ Lắk - buôn Jun (thuộc khu du lịch Cầu Treo) bị hành hạ khi đang cõng khách du lịch trên lưng.
Bài viết mô tả mỗi nài voi đều cầm theo trên tay một cây gậy có móc sắt dùng móc vào đầu, tai voi nhằm điều khiển hướng đi khiến đầu con voi nào cũng chằng chịt vết thương. Trong những bức ảnh được tác giả N.A đính kèm vào bài viết, có thể thấy ở phần đầu những chú voi có khá nhiều vết thương vẫn còn đang rỉ máu, nhiều vết máu đã khô và đổi màu đen kịt. Không chỉ vậy, voi còn bị ép phải chở khách liên tục không ngừng nghỉ.
"Mình chuẩn bi sẵn 1 nải chuối và ít cùi dừa tươi khi đến Buôn Đôn với hy vọng được cho Voi ăn. Nhưng khi đến cái mình nhìn thấy là chúng chở người tham quan liên tục không ngừng nghỉ, những tấm mía được mời chào là hỗ trợ cho voi ăn không thể thấm tháp với khẩu phần ăn hàng ngày. Và cứ thử ngẫm xem nếu bạn vừa phải vác gạo trên lưng vừa ăn thì có nuốt nổi không?", tác giả N.A viết.
Những vết thương ở vùng đầu của những chú voi tại hồ Lắk - buôn Jun, thuộc khu du lịch Cầu Treo. (Ảnh: Facebook N.N.A) |
Bài chia sẻ của nữ du khách nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng, phần lớn bày tỏ bức xúc trước việc voi bị hành hạ và vắt kiệt sức để phục vụ khách du lịch. Nhiều người đề nghị tỉnh Đắk Lắk sớm có biện pháp để chấm dứt mô hình du lịch cưỡi voi.
Theo ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, sau khi nhận được các thông tin phản ánh của báo chí, ngày 9/2, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã cử cán bộ tới huyện Lắk và Buôn Đôn nắm tình hình để báo cáo vụ việc. Chiều cùng ngày, ông Phước xác nhận thông tin và hình ảnh du khách chia sẻ trên mạng là có thật. Đại diện khu du lịch Cầu Treo đã cam kết không để tình trạng này tái diễn.
Hiện Đắk Lắk có 37 cá thể voi nhà, đang bị "vô sinh", hầu hết đã qua tuổi sinh sản. Phần lớn cá thể voi nhà đang tham gia chở khách du lịch. Duy nhất Vườn Quốc gia Yok Đôn đang triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi. Theo đó, voi được gỡ bành, tháo xích, được thả trong rừng; du khách trải nghiệm theo voi vào rừng, tìm hiểu đặc tính thú vị của voi. Mô hình này thu hút du khách yêu động vật hào hứng trải nghiệm.
Ông Trần Xuân Phước cho biết thêm, cuối năm 2021 vừa qua, Tổ chức động vật châu Á (AAF) đã ký kết hợp tác với UBND tỉnh Đắk Lắk về việc xây dựng, triển khai mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi, hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu, phía AAF đang tìm các nguồn hỗ trợ để có kinh phí hỗ trợ cho voi, chủ voi.