Tại TP. Đà Nẵng, theo thông tin từ Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế AHT, dịp cao điểm lễ 30/4 – 1/5, thời gian từ 29/4- 3/5, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ đón trung bình 102 chuyến bay quốc tế đi, đến/ngày. Dự kiến, lượng khách đến TP. Đà Nẵng dịp này tăng cao. Vì vậy, bên cạnh chuẩn bị các sản phẩm mới, tăng tính trải nghiệm với nhiều ưu đãi kích cầu, Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng chèo kéo và "chặt chém" khách du lịch.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP. Đà Nẵng cho biết đến nay, các bãi biển Đà Nẵng đã sẵn sàng các hoạt động để đón khách dịp nghỉ lễ và cao điểm hè, như: Tăng cường lực lượng cứu hộ bờ biển, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho du khách khi đến tắm biển.
"Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ bãi biển thuộc lĩnh vực quản lý, Ban quản lý đã yêu cầu và thường xuyên giám sát việc niêm yết giá cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…", ông Nguyễn Đức Vũ cho hay.
Là quận du lịch trung tâm của TP. Đà Nẵng, ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết việc đảm bảo an ninh trật tự, xử lý hàng rong được lực lượng chức năng quận thực hiện thường xuyên. Trong cao điểm dịp lễ 30/4 – 1/5 và hè 2023, quận sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch.
Trong đó, không để xảy ra tình trạng kinh doanh buôn bán tại các khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng và danh lam thắng cảnh. Tập trung kiểm tra, xử lý tình trạng đeo bám, chèo kéo khách, bán hàng rong trên các tuyến đường có quy định cấm và các khu vực khách du lịch hay tập trung như công viên cầu sông Hàn, khu vực cầu Rồng, Công viên cầu Nguyễn Văn Trỗi, Công viên Biển Đông.
Tại các khu, điểm du lịch thu hút đông khách trên địa bàn, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng sẽ thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động du lịch. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn, anh ninh trật tự trên địa bàn.
Theo Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, Cục sẽ kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường trong trước và trong thời gian diễn ra dịp lễ 30/4 – 1/5 và lễ hội pháo hoa quốc tế. Trong đó có kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ tàu du lịch, nhà hàng ăn uống, cơ sở mua sắm…; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp "chặt chém", không niêm yết giá các dịch vụ, tăng giá bất hợp lý hoặc bán hàng không theo giá đã niêm yết.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết để bảo đảm an toàn và chất lượng du lịch dịp nghỉ lễ, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nâng cao chất lượng các dịch vụ đón khách. Các khu điểm du lịch và các khách sạn, nhà hàng du lịch chuẩn bị nhân lực, vật lực đầy đủ, có phương án bố trí đủ lực lượng, cán bộ, nhân viên, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết dự phòng để phục vụ du khách.
Các doanh nghiệp du lịch được yêu cầu cần phải tuân thủ các hướng dẫn về phòng chống dịch trong tình hình mới theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Tổng cục Du lịch và Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh, khuyến khích thực hiện 2K (khử khuẩn + khẩu trang); đảm bảo giữ chất lượng phục vụ khách du lịch trong dịp cao điểm. Đặc biệt, các cơ sở dịch vụ phải nghiêm túc niêm yết giá, không nâng giá phòng hoặc ép giá đối với du khách.
Ngành du lịch cùng phối hợp với công an và các địa phương cung cấp đường dây nóng, hỗ trợ du khách, nơi có lượng du khách và các đoàn từ nhiều tỉnh thành đến dự Tuần Festival Nghề truyền thống.
Trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 - 1/5 và Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế 2023, dự kiến từ 28/4 đến 5/5 có khoảng 95.000 khách du lịch đến Huế, tổng lượng khách đã đặt phòng lưu trú ước đạt 55.500 lượt (trong đó có khoảng hơn 30.000 khách nội địa), tổng doanh thu ước đạt 155 tỷ đồng, công suất phòng bình quân đạt 77%. Hầu hết các khách sạn, kể cả nhóm khách sạn 4-5 sao và homestay đã có khách đặt đủ phòng trong những ngày cao điểm từ 28/4 đến 1/5.
Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, các khu, điểm du lịch thực hiện tốt các quy định bảo vệ môi trường, đồng thời đề nghị các khu, điểm du lịch có địa hình là bãi biển, sông, suối, thác, hồ đập… tăng cường bố trí phương tiện, nhân sự và thường xuyên trực cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu kịp thời các sự cố; lắp đặt bảng cảnh báo nguy hiểm, giăng dây phao ở khu vực tắm an toàn tại các bãi biển cho người dân và du khách biết.
Sở yêu cầu các đơn vị sử dụng hướng dẫn viên du lịch đủ điều kiện hành nghề; tuyên truyền, nhắc nhở hướng dẫn viên du lịch phục vụ khách với thái độ văn minh, tận tâm; bên cạnh đó, chỉnh trang cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng cường công tác vệ sinh môi trường tại khu vực kinh doanh của đơn vị.
Thực hiện nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; tuyệt đối không giữ phòng khách sạn, các dịch vụ du lịch, gây sốt giá, làm ảnh hướng đến môi trường kinh doanh và hình ảnh ngành du lịch.