Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) dự kiến năm 2016 đạt doanh thu 1,4 tỷ USD từ thị trường viễn thông nước ngoài.
Lũy kế doanh thu từ thị trường nước ngoài của tập đoàn này đã đạt 6,5 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ tăng trưởng ngành viễn thông thế giới.
Theo Viettel, sau 10 năm tham gia đầu tư quốc tế, tập đoàn này đã có mặt tại 11 quốc gia với quy mô dân số 320 triệu dân, trong đó có 9 thị trường đã đi vào kinh doanh ổn định. Tập đoàn đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ có mặt ở 30 nước với quy mô thị trường 1 tỷ dân.
VNPT cũng "đánh bắt xa bờ" từ năm 2008. VNPT-I thành lập văn phòng đại diện tại Campuchia (tháng 7/2014), Myanmar (tháng 10/2014) và Lào (tháng 12/2014). Các dịch vụ điện thoại quốc tế, thuê mua dung lượng Internet quốc tế, kinh doanh, bán hàng dịch vụ phi thoại tại Campuchia, Lào, Myanmar đã mang lại doanh thu khá cho VNPT-I trong năm 2014, ước 3.130 tỷ đồng.
Hiện, VNPT tìm kiếm cơ hội đầu tư ở một số thị trường nước ngoài như Myanmar, Campuchia, Lào, Cuba để phát triển các dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin. Tập đoàn còn xây dựng đề án thành lập Công ty CP kinh doanh và đầu tư quốc tế tại Hong Kong.
VNG cũng "lấn sân" sang thị trường các nước như Nhật Bản, Trung Quốc… Hiện tại ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động - Zalo, ngoài việc phục vụ hơn 60 triệu người dùng tại thị trường Việt Nam, cũng phục vụ hơn 2 triệu người dùng tại Myanmar.
Ở lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, Vinamilk là một đại gia kiếm hàng nghìn tỷ từ việc đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu sữa. Báo cáo kinh doanh cho thấy lũy kế 9 tháng năm 2016, Vinamilk đạt tăng trưởng doanh thu 18% so với 9 tháng năm 2015. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.535 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, thị trường nước ngoài mang về cho doanh nghiệp (DN) gần 6.300 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7,43% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận đạt được lên đến 3.056 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.
DN cũng đang đàm phán mua một công ty sữa của Mỹ, để mở rộng phạm vi hoạt động và thúc đẩy doanh thu.
Ngoài Việt Nam và Mỹ, Vinamilk đang hoạt động tại New Zealand và Campuchia. Trong năm 2017, công ty lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sữa bột tại Việt Nam và mở rộng sản xuất tại New Zealand. Sản phẩm của Vinamilk đang có mặt tại 43 quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Canada, Mỹ và Australia.
Mới đây nhất, Tập đoàn TH đã chi 2,7 tỷ USD đầu tư Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại Matxcơva (Nga).
Khi hoàn thành giai đoạn 3, tổng đàn bò dự kiến là 350.000 con, công suất chế biến sữa là 5.900 tấn/ngày, tương đương gần 1.800.000 tấn/năm, diện tích vùng nguyên liệu tập trung là 140.000 ha. TH cũng dự kiến thành lập chuỗi phân phối, với 300 cửa hàng trên toàn nước Nga.
Đi đầu trong trào lưu đầu tư ra nước ngoài của ngành khai khoáng phải kể đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ông Vũ Văn Nghiêm,Trưởng ban Dự án nước ngoài, cho biết tập đoàn đã đầu tư ra nước ngoài 17 dự án, chủ yếu thuộc lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, giá trị đầu tư lên 2,6 tỷ USD.
Việc đầu tư ra nước ngoài giúp PVN gia tăng trữ lượng dầu khí 170 triệu tấn dầu quy đổi. Đến nay, PVN đã khai thác 5,4 triệu tấn, số lợi nhuận chuyển về nước tăng lên 470 triệu USD.
Một số ngân hàng như Vietinbank, BIDV, Agribank … cũng đang dốc sức mở rộng chi nhánh hoạt động tại nước ngoài, đặc biệt trong khối ASEAN.
Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khai khoáng, sản xuất điện, viễn thông, tài chính ngân hàng, bất động sản, chế biến chế tạo... 10 quốc gia đứng đầu nhận đầu tư từ các DN Việt Nam, bao gồm: Lào, Campuchia, Nga, Venezuela, Peru, Angieri, Malaysia, Myanmar, Hoa Kỳ, Tanzani