Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Hoàng, Viện Khoa học và Công nghệ (Nhật Bản), cho hay các trung tâm khoa học lớn ở các nước Nhật Bản, Nga, Hungary, Áo, Đài Loan... vừa thông báo kết quả phân tích 32 mẫu đá bazan ở huyện đảo Lý Sơn.
Các nhà khoa học đã phân tích thành phần silicat, nguyên tố vi lượng, đất hiếm, các loại đồng vị phóng xạ; phân tích tuổi Ar-Ar, K-Ar, tinh thể Olivin trong đá bazan núi lửa.
"Căn cứ kết quả phân tích, chúng tôi xác định Lý Sơn thuần túy là đảo núi lửa không có các quá trình trầm tích liên quan. Đảo này có niên đại khoảng 1 đến 1,1 triệu năm, hình thành từ hoạt động phun trào núi lửa liên tục trong khoảng 200.000 năm", ông Hoàng nói.
TS Nguyễn Hoàng, Chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ (Nhật Bản). Ảnh: M.Hoàng. |
Sau nhiều năm dài khảo sát, nghiên cứu, ông Hoàng cùng các chuyên gia xác định huyện đảo Lý Sơn có địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích. Trong đó, huyện đảo này có 6 miệng núi lửa trên bờ gồm: Thới Lới (2 miệng núi lửa kép), Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Vung, Hòn Tai. Ngoài ra, thềm biển xung quanh đảo Lý Sơn có 25 đến 30 miệng núi lửa có kích thước nhỏ hơn. Đặc biệt, "miệng núi lửa kép" trên đỉnh núi Thới Lới nơi lớn nhất có đường kính hơn 1.000m còn nguyên vẹn được xem là di sản độc đáo hiếm hoi thế giới.
Vị chuyên gia này phân tích, mỗi đợt phun trào, núi lửa tạo thành nhiều lớp dung nham có bề dày khác nhau. Đây có thể xem là bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm có trên thế giới, xứng tầm là công viên địa chất toàn cầu.
Hoàng hôn trên miệng núi lửa Thới Lới, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: M.Hoàng. |
Trước đó ngày 30/8/2017, tại hội thảo "Phát triển du lịch Lý Sơn", PGS.TS Vũ Cao Minh, Viện Địa Chất - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng từng công bố kết quả nghiên cứu di sản địa chất ở huyện đảo này.
Vị chuyên gia này ví di sản địa chất nơi đây như bảo tàng thiên nhiên núi lửa biển. Miệng núi lửa Thới Lới cao 149 m, Giếng Sỏi cao 106 m, Giếng Tiền cao 86 m đều là những đài quan sát lý tưởng hấp dẫn du khách.
Trong khi đó miệng núi lửa ngầm ở độ sâu 40-50 m phía nam đảo Lý Sơn có đường kính tương đương với miệng núi lửa Thới Lới trên mặt đất. Phía tây đảo Lớn cũng có núi lửa ngầm dưới biển nhô cao gần khu vực thắng cảnh Giếng Tiền. Đây là nguồn tài nguyên quý cần được khai thác phục vụ phát triển du lịch lặn biển khám phá núi lửa biển.
Cụm đá trầm tích núi lửa tạo cảnh quan độc đáo trên miệng núi lửa Thới Lới. Ảnh: Minh Hoàng. |
Riêng ba vách đá Hang Cau, chùa Hang, Giếng Tiền trải dài hàng trăm mét có giá trị lớn về khoa học, cảnh quan kỳ vĩ. Tài nguyên du lịch địa chất, địa mạo ở Lý Sơn là độc đáo hiếm hoi thế giới. Cụm núi lửa từ Thới Lới đến chùa Hang có cấu tạo đặc biệt, hai núi lửa chồng lên nhau.
Trong khi đó, GS Nakada (Nhật Bản), Phó chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu ghi nhận, các tiêu chí về di sản địa chất ở đảo Lý Sơn và Bình Châu hết sức độc đáo, hội đủ điều kiện trở thành công viên địa chất toàn cầu.
Các chuyên gia đề xuất xây dựng Lý Sơn là huyện đảo độc đáo, kỳ thú về du lịch núi lửa biển; quy hoạch và xây dựng kiến trúc công trình lấy cảm hứng từ núi lửa; gắn với quy định độ lớn và chiều cao công trình nhằm bảo tồn di sản dễ tổn thương, khôi phục cảnh quan và di sản địa chất đã bị xâm hại.
Tỉnh Quảng Ngãi đang lập hồ sơ công nhận vùng biển Bình Châu - đảo Lý Sơn là công viên địa chất cấp tỉnh. Sau đó tiếp tục lập hồ sơ trình Ủy ban Di sản Quốc gia công nhận và trình lên Hội đồng Di sản thế giới để UNESCO công nhận Lý Sơn - Bình Châu là công viên địa chất toàn cầu.