Đầu tư cho nông nghiệp (Bài IV): Tái cơ cấu nông nghiệp, vẫn là ẩn số

Ở thời điểm hiện tại, một trong những chủ trương lớn của Chính phủ là tái cơ cấu nông nghiệp đang được triển khai rộng khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào, chọn mô hình nào, loại cây gì, đầu tư vào đâu… để tạo hiệu quả kinh tế cao vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ ở nhiều địa phương.
Đầu tư cho nông nghiệp (Bài IV): Tái cơ cấu nông nghiệp, vẫn là ẩn số

Vai trò của kế hoạch sản xuất

Nhìn nhận về các mô hình liên kết trong nông nghiệp, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng: “Chúng ta đang làm ngược quy trình dẫn đến nguy cơ thất bại ở một số mô hình liên kết như VietGAP, GlobalGAP và nhất là liên kết cánh đồng mẫu lớn”. Theo ông Trọng, diện tích lúa đã cố định, năng suất một số giống lúa truyền thống đã đạt ở mức kịch trần nên đầu tư đến mấy đi nữa cũng khó có thể tạo thêm giá trị gia tăng từ cây lúa. Vậy nếu có thì chỉ là tăng giá cho lúa gạo, nhưng hiện tại chúng ta vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn thị trường quốc tế.

Chính từ điều này, trong tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Bến Tre đang hướng đến giảm bớt diện tích lúa để làm sao bảo đảm lượng lương thực cung - cầu trên địa bàn và chuyển sang các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao hơn, đầu ra ổn định hơn. Đúc rút kinh nghiệm từ thực tế về VietGAP, GlobalGAP tại Bến Tre, ông Trọng nói: “Những bước triển khai như hiện tại không đi đến sự thiết thực của chương trình và thật sự thiếu đi người quản lý. Đáng lẽ các khoản chi phí phải đầu tư cho các doanh nghiệp, đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm giám sát, quản lý chứ không phải trực tiếp cho dân”.

Có được bài học từ thực tế, nên Bến Tre đã dành nguồn kinh phí từ ngân sách khoảng 10 tỷ đồng tập trung đầu tư cho cây bưởi, chôm chôm theo hướng doanh nghiệp, tổ hợp tác liên kết trực tiếp đứng ra nhận vốn rồi chuyển giao cho hộ dân tham gia và đồng thời là đơn vị quản lý giám sát thực hiện của người dân.

Đầu tư cho nông nghiệp (Bài IV): Tái cơ cấu nông nghiệp, vẫn là ẩn số - anh 1

Tái cơ cấu nông nghiệp vẫn là ẩn số

Thực tế, tại Bến Tre đã có một số mô hình liên kết VietGAP, GlobalGAP về chôm chôm đang mang lại hiệu quả cao. Điển hình là Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Tiên Phú (xã Tiên Long, huyện Châu Thành). Thành lập năm 2011, Tổ hợp hiện có 15 hộ với diện tích 25 ha chôm chôm làm theo mô hình VietGAP và 15 ha GlobalGAP, với năng suất trung bình khoảng 30 tấn/ha.

Ngoài ra, nhóm dịch vụ của Tổ hợp tác với 40 thành viên tham gia quản lý hỗ trợ trực tiếp tổng số hơn 107 ha chôm chôm trên địa bàn xã. Ông Phùng Văn Hiền, Chủ nhiệm Tổ hợp tác cho biết: “Do chưa có kinh nghiệm quản lý và thực hiện, nên những năm đầu lợi nhuận chỉ đạt khoảng 300 triệu đồng/ha. Nhưng đến năm 2013, lợi nhuận đã đạt hơn 400 triệu đồng/ha và sau đó ngày càng tăng cao, bởi chi phí sản xuất giảm đáng kể nhờ vào việc kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn của VietGAP, GlobalGAP”.

Theo ông Hiền, khi áp dụng các tiêu chuẩn của VietGAP, GlobalGAP, lợi nhất mang lại là giảm được chi phí, môi trường sản xuất bảo đảm và đầu ra cho sản phẩm ổn định, giá thành luôn cao hơn chôm chôm thường. Như hiện tại, giá chôm chôm trên thị trường khoảng 8.000 nghìn đồng/kg nhưng với diện tích đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP được Tổ hợp tác thu mua với giá khoảng 15 nghìn đồng/kg.

Đặc biệt, cuối năm 2014, Tổ hợp tác đã nghiên cứu thử nghiệm và có được kết quả đối chứng khi áp dụng một số tiêu chí về hàm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên mỗi ha chôm chôm. Theo đó, chi phí sản xuất trước đây khoảng 3.300 đồng/kg, sau khi thử nghiệm chỉ còn 2.900 đồng/kg (với 70% là giảm từ phân bón, còn lại là thuốc bảo vệ thực vật).

Tuy nhiên, ông Hiền cho rằng: “Yếu tố thành công nhất là liên kết được từ khâu kế hoạch sản xuất đến thị trường. Trong đó, kế hoạch sản xuất cực kỳ quan trọng, bởi khi đã có được sản phẩm chất lượng thì phải biết được thời điểm nào thị trường nào cần, lượng tiêu thụ được bao nhiêu, theo đó lên kế hoạch để mà sản xuất. Hiện nay, chôm chôm của Tổ hợp tác Tiên Phú được xuất khẩu sang hàng loạt thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Hà Lan và liên kết tiêu thụ tại Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Đức, Trung Đông… “Tại thị trường Mỹ, chúng tôi tránh xuất chôm chôm vào mùa vụ thu hoạch của một số nước Nam Mỹ. Khi nào bên đó hết vụ, thị trường khan hiếm thì mới lập kế hoạch sản xuất sản phẩm phù hợp để xuất khẩu vào thị trường này”, ông Hiền chia sẻ.

Bài toán trong đầu tư

Trong năm 2015, Việt Nam kết thúc đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) và cam kết thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ ngày 1-1-2016. Mở cửa hội nhập tạo ra những cơ hội cho xuất khẩu, nhất là các sản phẩm từ nông nghiệp nhưng đồng thời cũng gia tăng sự cạnh tranh từ chính các sản phẩm này với các nước trong AEC.

Có một thực tế là sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ cạnh tranh ở những thị trường phân khúc thấp. Đây là một trong những bài toán khó trong việc lựa chọn phương án, loại cây trồng nào để mà đẩy mạnh đầu tư khi mà giải pháp để giải quyết hàng loạt những vướng mắc đối với những sản phẩm nông nghiệp vẫn còn là ẩn số? Trong khi đó, đầu tư từ nguồn ngân sách vào các lĩnh vực nông nghiệp của nhiều địa phương không hề nhỏ.

Như tại Bến Tre, mỗi năm tỉnh dành khoảng 30% ngân sách (khoảng 600 tỷ đồng) cho các công trình, hệ thống thủy lợi, chương trình đào tạo… phục vụ nông nghiệp. Còn tại Đồng Tháp, năm 2014 chỉ tính riêng nguồn tiền đầu tư cho các công trình phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã lên đến hơn 401,3 tỷ đồng. Theo tính toán của ông Trọng, tại Bến Tre hằng năm phần vốn Nhà nước “đầu tư tám đồng nhưng mới chỉ thu về được khoảng một đồng”.

Thực tế, trong tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều địa phương đã đẩy mạnh giảm bớt diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, hoa màu… Tuy nhiên, mới bước đầu triển khai đã vấp phải hàng loạt vướng mắc, khó khăn. Trong đó phải kể đến việc đầu tư nhưng chưa tìm thấy ánh sáng đầu ra, nông dân vẫn đang tự… bơi.

Vướng mắc này dường như đã trở thành những “gen di truyền” của nông sản Việt Nam. Đơn cử như tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2013 đã thúc đẩy chuyển dịch cây trồng cạn trên nền đất sản xuất lúa kém hiệu quả. Ngành nông nghiệp đã phối hợp địa phương xây dựng các mô hình trình diễn và chuyển giao kỹ thuật hàng loạt cây trồng màu. Niên vụ 2014, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã gieo trồng được hơn 4.670 ha bắp, 4.500 ha khoai lang, 5.814 ha mè (vừng)… Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, diện tích mè và bắp đang phát triển mạnh, bởi những loại cây màu này đang mang lại lợi nhuận gấp hai đến ba lần trồng lúa.

Tuy vậy, diện tích càng tăng thì chiều hướng giá càng giảm và nguy cơ phá sản của những chương trình, dự án này càng nhanh. Đồng Tháp đã có bài học lớn khi chỉ cách đây vài năm tập trung đẩy mạnh trồng đậu nành với diện tích lên đến hàng nghìn ha. Nhưng sau đó không có thị trường tiêu thụ, giá đậu nành xuống thấp, người dân phá bỏ hàng loạt, giờ đây chỉ còn khoảng gần 700 ha. Tại TP Cao Lãnh, trước đây diện tích trồng đậu nành luôn ở mức hơn 1.000 ha nhưng giờ chỉ còn khoảng 50 ha và toàn bộ diện tích này người dân đang dần chuyển đổi sang trồng mè.

Nói về giải pháp để phát triển bền vững những loại trái cây, cây màu chuyển đổi, ông Công cho rằng: “Bên cạnh việc phát triển trên diện rộng với bất kỳ loại cây màu nào cũng cần có giải pháp đồng bộ. Bên cạnh những giải pháp hiện thời như tập trung nguồn vốn cho những chương trình tạm trữ lúa gạo, đầu tư trực tiếp xuống dân… thì chúng ta cần định hướng lại, chuyển đổi sang hướng đầu tư vào các nhà máy, dây chuyền chế biến sản phẩm nông nghiệp ở khu vực, vùng miền sản xuất để tạo ra những sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản. Như vậy mới nâng cao được giá trị, tạo được đầu ra ổn định cho các loại cây nông sản”.

(Còn nữa)

Hợp tác cùng Thời Nay

>>> Xem thêm:

- Đầu tư cho nông nghiệp (Kỳ 2): Chương trình cánh đồng mẫu lớn liệu có bị lợi dụng?

- Đầu tư cho nông nghiệp (Bài I): Bài toán khó cho cánh đồng mẫu lớn

- Vụ vải thiều năm 2015: Mở rộng thị trường, nâng cao giá trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.