STEM là phương pháp giáo dục tích hợp liên môn, giúp người học phát huy tốt được các năng lực của mình, giúp các em dễ dàng trong tiếp nhận kiến thức và vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Việc đẩy mạnh giáo dục STEM cũng giúp học sinh nhận biết được năng lực, khơi gợi niềm đam mê cũng như định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Từ thực tế, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Hoa Kỳ) chia sẻ, để triển khai giáo dục STEM, trước hết cần thay đổi về mặt nhận thức, tư duy, từ lãnh đạo nhà trường, giáo viên, phụ huynh đến những người làm chính sách giáo dục.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ giáo viên về phương pháp, giáo án thông qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn. Không dừng lại ở đó, trường học cần trang bị công cụ, phương tiện để triển khai giảng dạy, hỗ trợ, đồng hành, tạo điều kiện để giáo viên triển khai các phương pháp vào thực tiễn.
Đưa giáo dục STEM vào nhà trường hướng đến giúp học sinh trang bị kiến thức, kỹ năng, hình thành những phẩm chất, năng lực mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thời gian qua, phương thức giáo dục STEM đã được các trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh triển khai rộng rãi. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, còn có nhiều khó khăn khi đưa giáo dục STEM vào dạy học. Những khó khăn này đến từ cả phía giáo viên và học sinh. Thực tế, nhiều trường còn làm theo lối mòn, giáo viên dạy theo những bài dạy có sẵn mà không có sự hướng dẫn cụ thể, dẫn đến hiệu quả học tập của học sinh không cao.
Về phía học sinh, các em vẫn còn thói quen học tập tiếp nhận kiến thức một chiều, sự tích cực chủ động chưa nhiều, học sinh ít đọc, ít nghiên cứu tài liệu, khiến việc triển khai phương pháp giáo dục STEM chưa đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc dạy và học trên internet là thách thức, khó khăn lớn đối với việc dạy học nói chung và dạy học theo phương thức giáo dục STEM nói riêng.
Nhiều giáo viên cũng còn gặp khó khăn về nguồn học liệu khi triển khai phương pháp giáo dục STEM. Ông Lê Duy Tân cho biết, hiện có nguồn học liệu số cho việc dạy học nói chung và phương pháp giáo dục STEM nói riêng rất phong phú, giáo viên có thể chọn lọc, sử dụng cho việc xây dựng bài giảng của mình.
Với nguồn tài liệu trên internet, các thầy cô giáo chính là người thẩm định để đưa vào bài dạy. Ở cấp trường học, hội đồng môn học của từng trường cũng xây dựng và thẩm định nguồn học liệu số cho từng môn học để giáo viên sử dụng. Cấp thành phố, hiện ngành giáo dục đang xây dựng kho học liệu số chung cho toàn ngành, khi hoàn thiện, đây sẽ là nguồn học liệu phong phú để giáo viên có thể tham khảo, sử dụng trong quá trình dạy học.