Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, tiến độ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Phan Thiết hiện còn chậm. Nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành có liên quan với UBND thành phố Phan Thiết chưa kịp thời, nhất là trong việc áp giá, lập phương án bồi thường, tham mưu những vấn đề phát sinh….
Để khắc phục những tồn tại này, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định tuổi cây trồng tại khu vực này để áp giá đền bù theo đúng quy định của pháp luật. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh sớm áp giá bồi thường cho các hộ đã xét tính pháp lý; đồng thời tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.
Sân bay Phan Thiết có tổng diện tích xây dựng là 542 ha, được xây dựng tại xã Thiện Nghiệp (thành phố Phan Thiết). Đây sẽ là sân bay dân dụng và quân sự kết hợp, có chức năng phục vụ bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn…
Theo báo cáo, tổng diện tích đất thu hồi của dự án là 542 ha (khu đất cho quân sự 150 ha, khu đất dân dụng 145 ha, đất dùng chung 247 ha). Tổng số hộ, tổ chức có đất bị thu hồi là 48 hộ và 6 tổ chức. Đến nay, đã chi trả tiền bồi thường 40 hộ với kinh phí 60 tỷ đồng, còn 8 trường hợp chưa chi trả với kinh phí 20 tỷ đồng. Chi trả cho 5 tổ chức với kinh phí 7 tỷ đồng. 48 hộ và 5 tổ chức đã bàn giao mặt bằng khu dân dụng 145 ha cho Công ty Cổ phần Rạng Đông; tạm bàn giao khu dùng chung và khu quân sự là 397 ha cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý.
Bình Thuận có vị trí địa lý thuận lợi, có điều kiện phát triển mạnh về kinh tế xã hội. Tuy nhiên do thiếu sân bay và đường giao thông không thuận lợi đã phần nào kiềm hãm sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Khi sân bay Phan Thiết hoàn thành, sẽ là điều kiện để Bình Thuận tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Giao thông thuận lợi sẽ tạo điều kiện các nhà đầu tư cũng như du khách đến Phan Thiết nhiều hơn. Bộ Quốc phòng cũng đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Bình Thuận cho việc nâng cấp sân bay Phan Thiết từ cấp 4C lên 4E.
Sân bay Phan Thiết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Việc đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết bằng hình thức BOT là bước đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải và hàng không.