Để đảm bảo học sinh quay lại trường an toàn, Hà Nội cần chuẩn bị những gì?

(Ngày Nay) - Chiều 25/2, Sở GD&ĐT Hà Nội họp trực tuyến với phòng GD&ĐT các quận, huyện về phòng chống dịch Covid-19.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thông tin đăng tải trên báo Pháp Luật TP.HCM, mặc dù việc cho học sinh Hà Nội đi học trở lại hay không sẽ được “chốt” vào cuối tuần này, tuy nhiên các điều kiện đảm bảo cho học sinh đi học trở lại đã được các quận, huyện, thị của Hà Nội rốt ráo chuẩn bị. Hội nghị trực tuyến có sự tham gia của 10.321 đại biểu, tại 31 điểm cầu.

Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay trong thời gian cho học sinh nghỉ bốn tuần, các địa phương đã tiến hành phun khử khuẩn tại 100% trường học (5.672 trường học) bốn lần vào dịp cuối tuần, dự kiến phun đợt thứ năm vào cuối tuần này.

Theo thống kê, số cán bộ, giáo viên, học sinh đã đến và đi từ vùng có dịch Trung Quốc gồm 69 người (hai cán bộ giáo viên, học sinh 67 em). Cán bộ và giáo viên, học sinh mang quốc tịch Trung Quốc đang học tập và làm việc ở các trường học 137 người (bảy cán bộ giáo viên và 130 học sinh).

Theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP Hà Nội, sở đã yêu cầu các trường học tiến hành rà soát, thống kê số cán bộ giáo viên và học sinh trở về Việt Nam từ ngày 10-2 trở lại đây ở các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Cho đến nay, ngành giáo dục Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào mắc COVID-19.

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, nhấn mạnh thời gian tới các trường học phải đảm bảo phun khử khuẩn đợt 5; tiếp tục theo dõi sức khỏe của cán bộ, giáo viên học sinh; đảm bảo cơ sở vật chất, vệ sinh cá nhân, môi trường; các phòng học có nhiệt kế điện tử hoặc đo tay, có bảng theo dõi nhiệt độ học sinh 2 lần/ngày; tổ chức chào cờ trong lớp học, bố trí giờ tan trường và giờ ăn bán trú để tránh tập trung học sinh mật độ cao…

“Trước ngày 28/2, các đơn vị tập huấn về công tác phòng chống dịch COVID-19, trước khi học sinh trở lại trường học” - ông Dũng lưu ý. 

 Để đảm bảo học sinh quay lại trường an toàn, Hà Nội cần chuẩn bị những gì? ảnh 1

Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. - Ảnh: Zing.vn

Bàn về vấn đề đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội, đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học chuẩn bị cơ sở vật chất trang thiết bị, thuốc men, nước uống, vệ sinh an toàn thực phẩm, dung dịch sát khuẩn… để đón học sinh đến trường.

“Trường học phải có phòng dành riêng để đưa học sinh có biểu hiện ốm trong giờ học, có nhiệt kế và hướng dẫn cán bộ, giáo viên để đo nhiệt độ cho học sinh... Đồng thời, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với trạm y tế trên địa bàn, có người phụ trách với bên y tế khi cần thiết” – bà Oanh kiến nghị.

Trao đổi trên Zing.vn, đại diện huyện Đan Phượng cho biết mỗi lớp học trên địa bàn phấn đấu có 1 nhiệt kế điện tử, lắp tối thiểu 2 lớp một vòi nước rửa tay. Gia đình cần hỗ trợ trang bị cho học sinh khăn lau tay, bình nước, khẩu trang riêng.

Trong khi đó, đại diện Quận Ba Đình bày tỏ lo lắng về việc ăn, ngủ của học sinh nội trú.

Phòng GD&ĐT Nam Từ Liêm thông tin đơn vị đã chuẩn bị trên 600 dụng cụ đo thân nhiệt. Phòng GD&ĐT Mê Linh đề nghị UBND huyện trích ngân sách mua 1.038 máy đo nhiệt độ.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nói tinh thần phòng bệnh, phát hiện và cách ly rất quan trọng. Tất cả người đi về từ vùng dịch phải được theo dõi, khai báo. Nhà trường cần chú trọng biện pháp rửa tay bằng xà phòng. Biện pháp rửa tay bằng nước sát trùng chỉ dùng khi cần thiết.

Ông Hạnh đề nghi trường học thực hiện nghiêm theo văn bản chỉ đạo của sở, bộ, đặc biệt là 5 giải pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo đầy đủ môi trường, cá nhân.

Kết luận hội nghị, ông Chử Xuân Dũng cho biết đã chỉ đạo triển khai hệ thống dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 9 với 7 môn học để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Hệ thống đang hoàn thiện nội dung ôn tập cho học sinh lớp 11,12, triển khai ôn tập từng bài, từng chương, tiếp cận cấu trúc đề thi để học sinh yên tâm.

TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).