Ngày 5/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” nhằm tạo ra cơ hội để các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí và doanh nghiệp trao đổi, đề xuất tìm ra giải pháp cho vấn đề này, góp phần xây dựng và phát triển môi trường báo chí lành mạnh, trung thực, tôn trọng bản quyền.
Các đại biểu đã thảo luận về việc phát triển các nội dung riêng biệt để kinh doanh, tăng doanh thu từ quảng cáo và thu phí bạn đọc. Đây cũng là một hoạt động trong khuôn khổ “Dự án phát triển Báo chí Việt Nam” giai đoạn 2020-2024. Dự án này nhằm phát triển báo chí Việt Nam, hòa nhập với xu thế phát triển của báo chí thế giới.
Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung đánh giá tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí ở Việt Nam diễn ra công khai, phổ biến và hết sức phức tạp, dưới nhiều hình thức như dẫn lại, trích nguồn...
“Chúng tôi đã phát hiện ra các trang web giả mạo của mình như tuoitre24h.net và tuoitreonline.vn. Đã từng có trường hợp giả mạo báo Tuổi Trẻ, gây nhầm lẫn cho bạn đọc khiến chúng tôi buộc phải đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý,” ông Trung cho biết.
“Việc vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí hiện để lại những hậu quả nghiêm trọng, cơ quan báo chí bị thất thu về mặt kinh tế, uy tín, thương hiệu, trong khi đó đối tượng xâm hại không phải đầu tư công sức mà vẫn ngang nhiên hưởng thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền,” ông nói thêm.
Cùng chung khó khăn với báo Tuổi Trẻ, thư ký tòa soạn báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh Đinh Đức Thọ cho biết, tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
“Chúng tôi có những tác phẩm báo chí phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để hoàn thành nhưng chỉ vừa xuất bản là đã có báo lấy lại nguyên văn. Chỉ khi chúng tôi liên hệ và quyết liệt yêu cầu trang tin đó gỡ bài thì họ mới chịu gỡ xuống,” ông nói.
Ông Lê Xuân Trung, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chia sẻ về tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra hiện nay. (Ảnh: Phương Mai/Vietnam+) |
Không chỉ các sản phẩm báo in, báo điện tử bị vi phạm bản quyền, thực tế là nhiều chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam cũng bị xâm phạm, sử dụng trên các nền tảng khác, thậm chí cắt ghép, xuyên tạc.
Đại diện các cơ quan báo chí đề xuất thành lập một Hiệp hội đặc biệt để bảo vệ tác quyền các tác phẩm báo chí và xử lý các hành vi vi phạm.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đồng ý với kiến nghị, tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các cơ quan truyền thông cũng cần tự bảo vệ tác phẩm của mình bằng các công cụ theo dõi các hành vi vi phạm, đồng thời tuyên truyền, tập huấn cho phóng viên, biên tập viên để nắm được công nghệ để phát hiện tin bài bị vi phạm bản quyền./.