Ngẫm cũng lạ, từ trước đến nay tôi viết chân dung nhân vật cũng nhiều mà viết giới thiệu sách cũng không ít, đa phần trong công cuộc thả hồn theo chữ ấy tôi không gặp khó khăn mấy. Thế nhưng, từ hồi có ý định viết về Di Li đến nay đã hai năm, hai năm rồi tôi vẫn chưa hoàn thành bức chân dung dang dở về nữ nhà văn xinh đẹp này.
Rồi Di Li ra sách mới, cuốn Cô đơn trên Everest là cuốn du ký hay nhất tôi từng đọc. Tôi nói với Di Li như vậy khi đọc một mạch 322 trang sách trong một đêm, và dự định sẽ viết gì đó để giới thiệu đến độc giả mê thể loại du ký.
Nhà văn Di Li. Ảnh: FBNV |
Hai năm trước, có dịp cà phê, trò chuyện với Di Li, cảm nhận của tôi về chị là một người duy mỹ. Duy mỹ đến độ một lời khi nói ra cũng lan toả nét đẹp, một chữ khi viết cũng trọn ý, trọn tình.
Sách của Di Li, có một điều mà tôi và có lẽ rất nhiều người khác cùng cảm nhận khi đọc đó là rất “lãi”. Cái “lãi” về kiến thức. Không cần nói đến rất nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn trước đây. Chỉ với Cô đơn trên Everest có lẽ sẽ không khiến bất kỳ ai lật sách ra mà phải thất vọng. Một cuộc phiêu lưu bằng cả ngôn từ, thị giác lẫn tất cả các xúc giác. Có lãng mạn, có xót xa, có đau đáu, có hài hước và đầy những hồi hộp như chính mình đang đi giữa cuộc hành trình.
Đọc Cô đơn trên Everest, có đôi lúc tôi cảm nhận được mình đã nhìn thấy ánh mặt trời đỏ ối vào lúc bình minh trên sông Hằng, có đôi khi, tôi rợn người vì cảnh người ta khuân củi chở đến lò thiêu xác, thoáng rất buồn khi đọc “Trên thế gian có nhiều nghề u ám và tội nghiệp, nghề khuân củi cho lò thiêu người chết cũng có thể được liệt kê”.
Cũng có lúc tôi hình dung ra tiếng cười ma mị trong khách sạn Dorsett, tôi có hứng thú với những câu chuyện thuộc về tâm linh, và những "ma nữ" trong trải nghiệm của Di Li cùng bạn được kể lại thật vô cùng thú vị.
Cô đơn trên Everest, một cuốn sách chứa đầy kiến thức lịch sử, địa lý, văn hoá và văn học, đầy trách nhiệm với độc giả của mình. Tôi nghĩ vậy. Ảnh: Kiều Trang |
Nhắc lại cuốn du ký này, lòng tôi vẫn hồ hởi và có thể kể lại được gần như trọn vẹn từng hành trình, từng cung đường, từng chốt chặn và từng cảm xúc của người trong cuộc. Không phải vì trí nhớ tôi tốt mà bởi vì cách viết vô cùng duy mỹ, trau chuốt từng câu, thận trọng từng chữ. Phải rồi, tôi còn chạnh lòng biết bao khi viên đá chị nhặt được trên đỉnh Everest dự định mang về làm kỷ niệm thì bị người kiểm tra giữ lại, nhưng tôi cũng lưu ý được rồi “đá thiên nhiên nơi này không được mang đi”.
Cô đơn trên Everest, một cuốn sách chứa đầy kiến thức lịch sử, địa lý, văn hoá và văn học, đầy trách nhiệm với độc giả của mình. Tôi nghĩ vậy.
Nhớ lần trò chuyện với Di Li, tôi hỏi “Làm sao mà chị có thể làm nhiều công việc cùng một lúc đến vậy? Sáng tác, giảng dạy ở trường, tư vấn ở mảng PR-quan hệ công chúng, dịch thuật… và đi du lịch?”
Di Li trả lời, thời gian của mỗi người là do tự bản thân sắp xếp, mặc dù bận rộn nhưng chị luôn xây dựng cho mình cách làm việc khoa học, khi bắt tay vào việc gì, đều tập trung vào duy nhất một việc trong khoảng thời gian đủ để hoàn thành xuất sắc và chỉn chu công việc ấy cho đến khi sản phẩm được hoàn hảo như ý muốn của bản thân.
Và với Cô đơn trên Everest, chắc chắn rồi, đây một sản phẩm hoàn hảo tuyệt vời.
Phần tôi, vẫn còn để dang dở bức chân dung về Di Li, bởi tự thấy, bao ngôn từ vốn có của mình cũng chưa đủ để "hoạ" về nữ nhà văn tài hoa.