Di sản Trung Đông thấm đượm văn chương của Agatha Christie

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vào những năm 1930, "nữ hoàng trinh thám" Agatha Christie đã dành hầu hết thời gian của mình ở vùng Trung Đông để viết lách và khai quật các di chỉ cùng chồng của bà - nhà khảo cổ học Max Mallowan.
"Nữ hoàng trinh thám" Agatha Christie. Ảnh: cricmash.com.
"Nữ hoàng trinh thám" Agatha Christie. Ảnh: cricmash.com.

Trong hồi cuối Án mạng trên sông Nile xuất bản năm 1937 của Agatha Christie, thám tử Hercule Poirot - nhân vật chính của bộ tiểu thuyết dài kỳ từng ví cuộc điều tra của mình như một cuộc khai quật khảo cổ học. Cụ thể, Poirot tuyên bố: “Hãy lấy lên phần đất rắn, rồi dùng dao nạo bỏ những gì dư thừa, hết lớp này đến lớp khác, kiên nhẫn cho đến khi báu vật hiện ra. Đó là những gì tôi luôn theo đuổi, loại bỏ những điều không cần thiết để nhìn thấy sự thật”.

Sự so sánh của Poirot phản ánh mối quan tâm sâu sắc của nữ nhà văn - người đã sáng tạo ra ông - với ngành khảo cổ học. Là vợ của Max Mallowan, nhà khảo cổ người Anh từng dẫn đầu các cuộc khai quật tại lãnh thổ Syria và Iraq.

Agatha Christie thường cùng chồng đắm chìm trong những chuyến thám hiểm đến Trung Đông, ngay khi bà đang ở đỉnh cao của sự nghiệp với tư cách nữ hoàng serie tiểu thuyết trinh thám ăn khách nhất thế giới. Lịch trình của Christie lúc đó thường là dành cả buổi sáng để sáng tác. Đến chiều, bà sẽ đi dạo trên những cánh đồng, chụp ảnh các hố khảo cổ và cùng chồng lên danh mục các di vật vừa tìm được.

Laura Thompson, tác giả cuốn sách Agatha Christie: Một cuộc đời bí ẩn cho biết: “Ngoài niềm khao khát được học hỏi suốt đời, các chuyến đi đã giúp bà ấy thoát khỏi áp lực nổi tiếng ở nước Anh. Tại một xứ sở lạ lẫm, bà ấy không cần phải là Agatha Christie mà có thể dành phần lớn thời giờ trong năm dưới danh xưng bà Mallowan".

Niềm đam mê các nền văn minh cổ đại của Christie manh nha xuất hiện trong Án mạng ở Lưỡng Hà, cuốn tiểu thuyết ra mắt năm 1936 xoay quanh việc một nhà khảo cổ học lập mưu giết vợ, sau đó là Tận cùng là cái chết với bối cảnh là Ai Cập cổ đại ở những năm 2000 trước Công nguyên, cuối cùng là Án mạng trên sông Nile - bộ phim ra rạp vào đầu tháng 2/2021.

Niềm yêu thích phương Đông

Lần đầu tiên Christie đến Ai Cập vào năm 1910, khi bà còn là một thiếu nữ. Lúc đó, gia đình Christie gặp những khó khăn về tài chính và việc giao lưu ở thuộc địa được cho là rẻ hơn nhiều so với việc tiệc tùng và ra mắt trong xã hội tại Anh quốc. Bà đã cùng gia đình trải qua ba tháng ở Cairo để giao lưu với những du khách châu Âu khác. Họ khiêu vũ, chơi polo, mua sắm và tham quan các kỳ quan của Ai Cập cổ đại.

Như sau này Christie từng viết trong cuốn tự truyện của mình: “Tôi mừng vì mẹ đã không bắt ép tôi tham gia chuyến đi, dù tôi vẫn có mặt ở Luxor, Karnak và những nơi đẹp nhất tại Ai Cập. Cảm xúc tuyệt vời đó vẫn còn tác động đến tôi cả khi 20 năm đã trôi qua. Sẽ như thế nào nếu ngay từ đầu tôi nhìn miền đất ấy bằng con mắt chẳng mấy thiện cảm?”

Di sản Trung Đông thấm đượm văn chương của Agatha Christie ảnh 1

Những chuyến thăm quan của du khách Anh tới Ai Cập đầu thế kỷ 20. Ảnh: The Print Collector.

Dù lịch sử của Ai Cập không gây nhiều ấn tượng với một Agatha trẻ trung, nhưng chuyến đi rõ ràng đã định hình khả năng viết lách của bà. Bà hoàn thành và đặt tên cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, một thiên tình sử lãng mạn mang tên Tuyết trên sa mạc và cố xuất bản nó ở Cairo nhưng không thành công. Hơn một thập kỷ sau vào năm 1923, Christie đã tận dụng "cơn sốt Ai Cập" (Egyptomania) bùng phát từ việc nhà khảo cổ Howard Carter phát hiện ra lăng mộ của Tutankhamun, để dựng lại bối cảnh trong một chuyến phiêu lưu khác của Poirot với tựa đề Bí mật lăng mộ Ai Cập.

Chuyến viếng thăm tiếp theo của Christie đến xứ sở của các kim tự tháp diễn ra vào mùa thu năm 1928. Sau khi ly hôn người chồng đầu tiên, Archibald Christie, nữ nhà văn lên kế hoạch phục hồi những tổn thương trong lòng bằng “ánh sáng mặt trời” ở Caribe. Tuy nhiên, hai ngày trước dự định khởi hành, bạn bè bà đã gợi ý một địa điểm thay thế khác, đó là Baghdad.

Trên hành trình tới Baghdad bằng tuyến đường sắt Tàu tốc hành Phương Đông, Christie đã được truyền cảm hứng để cho ra đời cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Bà bị cuốn hút bởi nền văn minh cổ đại của người Sumer và đã tìm tới thành phố Ur, nơi nhà khảo cổ học Leonard Woolley đang tiến hành một cuộc khai quật đáng chú ý đại diện Bảo tàng Anh và Bảo tàng Đại học Pennsylvania. Vợ của Leonard, Katharine Woolley, là một độc giả nhiệt thành của Christie. Katharine không chỉ khoản đãi nữ nhà văn mà còn khuyến khích bà quan sát các cuộc khai quật.

Di sản Trung Đông thấm đượm văn chương của Agatha Christie ảnh 2

Max Mallowan, Agatha Christie và Leonard Woolley ở Ur năm 1931. Ảnh: The Bristish Museum.

Christie hồi tưởng trong cuốn tự truyện của mình: “Tôi đã yêu Ur, sự hấp dẫn của quá khứ như chộp lấy tôi. Thật khó để miêu tả cảm giác lãng mạn khi nhìn thấy một con dao găm từ từ hiện ra, với ánh vàng lấp lánh xuyên qua lớp cát. Khi cẩn thận nhấc những chiếc bình, đồ vật đã nằm im lặng cả ngàn năm nay, tôi khát khao được trở thành một nhà khảo cổ học”.

Tình bạn của Christie và gia đình Woolley khiến bà tiếp tục có mặt tại Iraq vào mùa đông năm 1930. Đến Ur giữa một cơn bão cát, bà đã nhận được sự trợ giúp nhiệt tình của Max Mallowan - chàng thanh niên trẻ hơn bà 14 tuổi - trợ lý của Woolley. Với tác động từ Katharine, Mallowan trở thành hướng dẫn viên cho Christie trong suốt hành trình thăm quan một loạt kỳ quan cổ đại trên khắp đất nước Iraq vào thời gian đó. Chuyến đi đột ngột kết thúc khi nữ nhà văn nghe tin con gái Rosalind của bà bị ốm. Mallowan đã đưa bà trở về Anh và họ kết hôn vào cuối năm đó, khởi đầu cho cuộc hôn nhân bền bỉ tới khi Christie qua đời.

Du ngoạn cùng Mallowan

Từ năm 1931 trở đi, Christie và Mallowan hầu như có chung một lịch trình. Họ dành cả mùa thu và mùa xuân để làm việc ở Trung Đông, mùa hè ghé Anh thăm Rosalind và phần còn lại của năm thì ở nhà hoặc đi du lịch. Thompson nói: “Khảo cổ học đã trở thành một cách để nữ văn sĩ chia sẻ cuộc sống với Mallowan, điều mà bà từng ám ảnh, sau khi mất đi người chồng đầu tiên mà bà cho là do sự quan tâm chưa đầy đủ từ phía mình”.

Trong các chuyến thám hiểm của Mallowan, Christie phụ trách phần gây quỹ, lên kế hoạch, giám sát nguồn cung cấp và quản lý lao động địa phương. Khi có thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bà thậm chí tham gia cả vào công tác chuyên môn như kiểm kê, minh họa và phục chế các hiện vật.

Trong một lần, Christie thậm chí còn đưa ra một phát kiến về khảo cổ của riêng mình, chính là sử dụng kem dưỡng da đã pha loãng để làm sạch những cổ vật bằng chất liệu ngà voi ở Nimrud. “Tôi đã dùng hết số kem dưỡng da đến nỗi không còn gì cho gương mặt già nua kém sắc của mình trong vài tuần”, bà viết trong hồi ký.

Di sản Trung Đông thấm đượm văn chương của Agatha Christie ảnh 3

Tàu SS Sudan trên sông Nile. Ảnh: Getty Images.

Năm 1933, gia đình Mallowan dừng ở Ai Cập trên đường tới một địa điểm khảo cổ khác. Họ đã lên tàu SS Sudan để du ngoạn trên sông Nile. Đó là con tàu được đóng năm 1885 dành cho hoàng tộc Ai Cập, sau được chuyển đổi công năng vào năm 1921 để trở thành một chiếc tàu khách hạng sang. Cho tới hiện tại, SS Sudan vẫn còn hoạt động, giữ nguyên vẻ xa hoa với những dãy phòng và hành lang được cho là nơi nữ văn sĩ lừng danh Agatha Christie đã từng đệm bước.

Hầu hết thành viên trong chuyến đi năm ấy là thành viên của giới thượng lưu châu Âu, những người mê đắm “bầu trời đầy nắng và làn nước xanh ngọc” của Ai Cập, như Christie sau này đã từng viết: “tuyệt vời hơn thời tiết ảm đạm của mùa đông quê nhà”. Những địa điểm như sông Nile, Luxor, Aswan, các đền thờ Abu Simbel cùng những người tham gia chuyến du ngoạn đều được bà ghi chép cẩn thận trong hồi ký của mình.

Vài năm sau chuyến đi trên, Christie quay trở lại Aswan, lưu trú lâu dài tại khách sạn Old Cataract Hotel. Trong một căn phòng có hướng nhìn ra mặt sông, bà đã viết nên tác phẩm mà sau này được ca ngợi là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất của sự nghiệp: Án mạng trên sông Nile.

Tác phẩm đặc biệt

“Cuốn sách này được viết sau một mùa đông trở về từ Ai Cập”, Christie ghi lời tựa của cuốn tiểu thuyết năm 1937. “Khi tôi đọc lại nó bây giờ, tôi cảm thấy mình một lần nữa trở lại con tàu trên đường từ Aswan đến Wadi Haifa. Có rất nhiều hành khách, những người trong cuốn sách đã đi sâu vào tâm trí và ngày càng trở nên sống động đối với tôi”.

Án mạng trên sông Nile mượn bối cảnh trực tiếp từ chuyến du hành của Christie. Chương hai của tác phẩm, mở đầu bằng cảnh một người mẹ cùng cậu con trai đang ngồi nghỉ trên chiếc ghế bành đỏ bên ngoài khách sạn Cataract Hotel ở Aswan. Họ nhận ra Poirot, người mà họ đều công nhận là thám tử lừng danh nhất thế giới. Nhưng bất chấp lý do Poirot đưa ra là ông chỉ đi nghỉ, vị thám tử đã nhanh chóng bị vướng vào vụ án liên quan đến mối tình tay ba giữa ba người Linnet Doyle, chồng cô - Simon và Jacqueline de Bellefort, người phụ nữ mà Simon bỏ rơi để kết hôn với Linnet. Sau đó, bối cảnh chuyển lên SS Karnak, một con tàu hơi nước rõ ràng lấy cảm hứng từ SS Sudan.

Trên một trong những điều dừng đầu tiên của dòng sông Nile ở Abu Simbel, một tảng đá đã ập xuống khiến Linnet suýt gặp nạn. Nhưng vận may không ở lại lâu khi cô được tìm thấy đã chết với một vết đạn bắn. Trong số các nghi phạm trên tàu có Guido Richetti, một người Ý mà Poirot mô tả với kiểu nói líu lưỡi “gần như quá hợp với nghề nghiệp của một nhà khảo cổ học” và Salome Otterbourne, một tiểu thuyết gia lãng mạn với cuốn sách Tuyết trên sa mạc, rất có khả năng giễu nhại lại cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh Ai Cập chưa được xuất bản của Christie.

Án mạng trên sông Nile chứa đựng nhiều mô tả thực tế và chi tiết hơn các tác phẩm khác của Christie. Đó là cuốn sách mang lại cảm giác đầy bất thường về địa điểm, tính biểu tượng, sự cộng hưởng và đồng thời phù hợp với cảm nhận sâu sắc của bà ấy về những điều kỳ diệu đến từ các nền văn minh cổ đại”, Thompson nói.

Đồng thời nhà nghiên cứu tiểu sử của Agatha Christie cũng đưa ra giả thuyết rằng thời gian đó Christie bị ảnh hưởng bởi vở kịch Akhnaton công diễn vào năm 1937, với nội dung về cuộc đời của pharaoh Akhenaten thuộc Vương triều thứ 18. Nhiều chi tiết từ vở kịch đã tràn vào Án mạng trên sông Nile vốn sáng tác trong khoảng thời gian đó.

Nhà Ai Cập học Jun Yi Wong nhận xét trong tạp chí New Lines rằng kịch bản của tiểu thuyết có thể được sáng tác theo gợi ý của gia đình người bạn thân của Mallowan - nhà Ai Cập học Stephen Glanville. Trước đó, tác phẩm Tận cùng là cái chết, cuốn tiểu thuyết duy nhất của Christie không lấy bối cảnh trong thế kỷ 20 cũng được viết theo gợi ý của Glanville.

“Đắm mình trong văn hóa Ai Cập, Christie sở hữu nhiều chất liệu để khiến bối cảnh được viết ra sống động đến đáng kinh ngạc. Đây là điều không phải lúc nào cũng xuất hiện trong các tác phẩm của bà”, Thompson nhận định.

Theo Smithsonian Magazine
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.