“Vũ khí chiến lược” của thị trường mới
Theo phân tích dữ liệu từ sàn giao dịch bất động sản (BĐS) trực tuyến batdongsan.com.vn, trong nhiều thời điểm của năm 2020, các tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Long An, Cần Thơ… đã soán ngôi Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để trở thành những thị trường thu hút sự chú ý nhất từ nhà đầu tư.
Bên cạnh nguyên nhân thị trường Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh khan hiếm nguồn cung, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, sức hấp dẫn của thị trường mới còn đến từ nét đặc sắc về văn hóa, thắng cảnh… cùng hạ tầng hoàn thiện.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết trong năm 2020, có tới 10 dự án giao thông lớn được khởi công có tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS cả nước. Có thể kể đến cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45; cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; đường Hồ Chí Minh đoạn tránh TP. Buôn Ma Thuật; dự án tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ…
Các công trình kể trên không chỉ góp phần gia tăng liên kết vùng mà còn mở ra cơ hội hình thành các vùng kinh tế tiềm năng, thu hút đầu tư quốc tế và tạo lực đẩy cho giới địa ốc đón sóng tại các thị trường mới nổi trên khắp cả nước trong năm 2021.
Hạ tầng phát triển cũng là “mật ngọt” để thu hút các nhà đầu tư chiến lược với những dự án tầm cỡ tìm về vùng đất mới, dẫn dắt thị trường địa phương và tạo ra cuộc chơi lớn mang tính lan tỏa.
Dòng tiền chảy về đâu?
Ở khu vực miền Bắc, Hạ Long có thể xem như một ví dụ điển hình cho sự bùng nổ của du lịch và hạ tầng đồng bộ với những công trình như cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, 3… Đây được xem là đòn bẩy để thành phố đón nhận loạt đô thị nghỉ dưỡng “nghìn tỷ” như Ha Long Marina, Vinhomes Dragon Bay, Habor Bay Hạ Long... Hay FLC Tropical City Halong của Tập đoàn FLC cũng gây chú ý đặc biệt trong thời gian gần đây nhờ vị trí đắc địa tại vịnh Cửa Lục, tiếp giáp cầu Cửa Lục 3 - khu vực được quy hoạch là trung tâm mới của Hạ Long sau khi sáp nhập Hoành Bồ.
Tây Nam Bộ cũng được đánh giá là “miền đất hứa” cho mảng BĐS đô thị nhờ thế mạnh mật độ đô thị dày đặc, chiếm hơn 19% dân số cả nước cùng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội năng động. Đáng chú ý, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông với loạt dự án nâng cấp sân bay Cần Thơ, đưa vào hoạt động cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sắp thông tuyến… đã tạo đột phá kết nối liên vùng, giúp Tây Nam bộ xóa thế cách trở đò giang của một “vùng trũng” kinh tế.
Hàng loạt dự án đô thị trọng điểm đang được đầu tư tại đây như: Aqua City (Đồng Nai), KĐT Waterpoint (Long An), khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt (Cần Thơ), FLC La Vista Sadec (Đồng Tháp)… với những phân khúc đa dạng từ khu phức hợp, căn hộ, nhà phố cho đến đất nền… nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở và thương mại dịch vụ ngày càng gia tăng của người dân.
Trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, khu vực miền Trung đang trở thành “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư với sự trỗi dậy của những thiên đường nghỉ dưỡng mới như Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Phú Yên… Trong đó, Bình Định có thể xem là ví dụ điển hình cho quá trình phát triển hạ tầng giao thông kết nối, với các dự án quan trọng như tuyến QL19 mới đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao QL1, tuyến đường phía Tây tỉnh kết nối phía Tây Nam cửa ngõ TP. Quy Nhơn đến Khu Công nghiệp Becamex Bình Định (hơn 14,3km), tuyến đường trục Khu kinh tế nối dài từ Cảng Hàng không Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động.
Từ sau sự thành công của tổ hợp dự án du lịch - nghỉ dưỡng quy mô FLC Quy Nhơn, hàng loạt doanh nghiệp cũng liên tiếp rót tiền đầu tư vào hạ tầng du lịch như TMS, Phát Đạt, Hưng Thịnh…
Với lực đẩy lớn đến từ hạ tầng như hiện nay, dự báo thị trường BĐS 2021 tại vùng ven và nhiều tỉnh thành mới sẽ tiếp tục “nổi sóng”, tiếp đà tăng trưởng đã kéo dài từ 2-3 năm nay.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển sản phẩm ra sao để đón đầu hạ tầng? Các địa phương sẽ làm gì để phát huy được hết tiềm năng, lợi thế và nhà đầu tư nên chọn lựa những thị trường như thế nào để “xuống tiền”? Những vấn đề này sẽ được bàn luận, phân tích kĩ lưỡng để tìm ra lời giải tại tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra trong ngày 5/1 tới đây tại Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc). Toạ đàm được truyền tải trực tiếp trên VnExpress, CafeF cùng ngày.
Tọa đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới” diễn ra ngày 5/1/2021 tại Vĩnh Phúc |
Tại tọa đàm, các diễn giả sẽ phân tích, đánh giá chung về nhu cầu dịch chuyển của nhà đầu tư và thị trường khi quỹ đất sạch nội đô dần khan hiếm trong bối cảnh nhiều tỉnh thành khác có lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch ven biển đang tích cực "trải thảm" đón "phượng hoàng" trong nước. Bên cạnh đó, các chuyên gia và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn, các cơ quan quản lý đại diện nhiều tỉnh thành cũng sẽ cùng bàn thảo tiềm năng phục hồi của thị trường để đưa ra những khuyến nghị, tư vấn thiết thực phục vụ chiến lược kinh doanh và nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư địa ốc.