Kinh tế Mỹ năm 2020 đã suy giảm 3,5% - mức lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 "tàn phá" nhiều lĩnh vực kinh doanh lớn như nhà hàng và hàng không, đẩy hàng triệu người Mỹ vào cảnh mất việc làm và nghèo đói.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1946 và là năm đầu tiên GDP suy giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007-2009.
Theo số liệu của Bộ trên, xuất khẩu của Mỹ giảm 13% so với năm 2019 trong khi tiêu dùng cá nhân giảm 3,9%. Tuy nhiên, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV đã phục hồi, tăng 1% so với quý III.
Cục Dự trữ liên bang (Fed) ngày 27/1 cam kết tiếp tục "bơm" thêm tiền vào nền kinh tế thông qua hoạt động mua trái phiếu, nhấn mạnh rằng "tốc độ phục hồi trong các hoạt động kinh tế và việc làm mới trong những tháng gần đây đã được cải thiện". Tổng thống Joe Biden đã đề xuất một kế hoạch phục hồi trị giá 1.900 tỷ USD, song kế hoạch này còn cần chờ Quốc hội thông qua.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát, các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong quý I/2021, trước khi có thể phục hồi vào mùa Hè nhờ các gói kích thích bổ sung và việc có thêm nhiều người Mỹ được tiêm phòng.
Cuộc thăm dò của Đại học Chicago và Đại học Notre Dame tuần trước cho thấy tỷ lệ nghèo đói tại Mỹ đã tăng 2,4 điểm phần trăm, lên 11,8% trong nửa cuối năm 2020, đạt 8,1 triệu người.
Trong báo cáo khác công bố ngày 28/1, Bộ Lao động Mỹ cho biết 847.000 người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong một tuần qua. Như vậy, số người thất nghiệp mới đã giảm nhiều hơn dự báo tuần trước, khi ông Biden nhậm chức. Tuần trước đã có tới 914.000 người xin trợ cấp thất nghiệp. Báo cáo cũng cho thấy số người được hưởng trợ cấp vì thất nghiệp dài hạn đã tăng lên.