Theo AFP, Bộ Y tế CH Congo thông báo một căn bệnh xuất huyết có nguồn gốc không rõ ràng đã cướp đi sinh mạng của 13 người dân nước này. Dịch bệnh bùng phát từ ngày 11-8. “Cả 13 người đều bị sốt cao, tiêu chảy, nôn ọe và khi sắp qua đời thì nôn ra dịch màu đen” - đại diện Bộ Y tế cho biết.
Hiện nhà chức trách CH Congo đã cách ly 80 người khác từng có tiếp xúc với các nạn nhân.
Trong khi đó, AFP cho biết chuyên gia David Nabarro đại diện WHO cho biết phải chuẩn bị đối phó với nguy cơ dịch Ebola tiếp tục “bùng lên” ở Tây Phi.
Tổ chức Chữ Thập đỏ cho biết tình trạng hỗn loạn cũng đang diễn ra ở Liberia. Khu hỏa táng của thủ đô Monrovia rơi vào tình trạng quá tải do mỗi ngày có tới hàng chục thi thể người nhiễm Ebola được đưa tới.
“Các nhân viên khu hỏa táng phải chuyển thi thể về một bệnh viện trong thành phố vì họ không thể hỏa táng hết toàn bộ các nạn nhân” - một quan chức Liberia cho biết. Trước đó bạo động cũng đã xảy ra tại khu ổ chuột West Point tại Monrovia do người dân phản đối việc bị cách ly.
WHO cho biết chỉ trong hai ngày qua đã có thêm 106 nạn nhân thiệt mạng vì virus Ebola, chủ yếu ở Liberia. Tổng số người chết đã tăng lên đến 1.350 người. Hôm qua Senegal đã đóng cửa biên giới với Guinea, nơi 396 người đã thiệt mạng vì virus Ebola.
Nam Phi cũng vừa ra lệnh cấm đi lại tới Guinea, Liberia và Sierra Leone. WHO điều tra và xác định đại dịch ở Nigeria xuất phát từ một cá nhân duy nhất là một người Mỹ gốc Liberia thiệt mạng hồi tháng 7 ở Lagos. Nhiều nạn nhân Nigeria khác đều có tiếp xúc với ông ta.
Ở Sierra Leone, nơi 374 người chết, dịch cũng bùng phát từ một cá nhân là một người tự xưng “thần y” ở làng Sokoma tại biên giới phía đông. Dù vậy, cũng có một số thông tin tích cực.
Hôm qua cả hai nhân viên y tế Mỹ Kent Brantly, 33 tuổi, và Nancy Writebol, 60 tuổi, từng bị nhiễm Ebola ở Monrovia, đều đã được xuất viện tại Mỹ. Cả hai được điều trị bằng thuốc thử nghiệm ZMapp. Ba bác sĩ khác được điều trị bằng ZMapp tại Liberia cũng đang hồi phục sức khỏe.