Ông Peskov trả lời tờ Washington Post (Mỹ): "Đây không phải là lần đầu tiên Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ. Tất nhiên là vô lý. Chúng tôi không can thiệp".
Đề cập đến lệnh trừng phạt của Mỹ đối với tổng biên tập RT (Nga) Margarita Simonyan, ông Peskov nói: "Phương tiện truyền thông của chúng tôi đang làm công việc của họ. Họ chỉ đưa tin. Họ đưa tin về sự thật, nhưng thật không may, người Mỹ không thích sự thật khó chịu đối với họ, và nếu sự thật đó xuất hiện, họ sẽ ngay lập tức thực hiện các biện pháp đàn áp chống lại nó. Đây là thực tế”.
Mỹ đã truy tố hai nhân viên của RT và áp đặt lệnh trừng phạt đối với các biên tập viên cấp cao của kênh truyền hình này vào ngày 4/9, cáo buộc họ tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Trong 10 cá nhân và 2 thực thể Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt có tổng biên tập RT Margarita Simonyan và phó tổng biên tập Elizaveta Yuryevna Brodskaia.
Theo cáo trạng Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 4/9, hai nhân viên của RT đã sử dụng các công ty vỏ bọc và danh tính giả để trả 10 triệu USD cho một doanh nghiệp tại Tennessee (Mỹ) để sản xuất các video trực tuyến với mục đích chia rẽ dư luận Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 5/9 đánh giá các lệnh trừng phạt này của Mỹ là một chiến dịch thông tin và Moskva đang nghiên cứu về đáp trả.
RT đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và gọi chúng là "những lời sáo rỗng".