Disney liệu đã vượt qua tác động của đại dịch?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Mảng phát trực tuyến phát triển nhanh chóng cùng sự phục hồi của các công viên giải trí của Disney đã đem lại cho các nhà đầu tư hy vọng về việc công ty này sẽ vượt qua "cơn bão" COVID-19.
Disney liệu đã vượt qua tác động của đại dịch?

Sau khi Disney báo cáo thu nhập quý III, cổ phiếu của hãng đã tăng 5,6% lên 143,12 USD. Cụ thể, tổng doanh thu của công ty này đã giảm 23% xuống 14,71 tỷ USD, nhưng vẫn vượt ước tính trung bình của các nhà phân tích là khoảng 14,2 tỷ USD.

Mức lỗ đã điều chỉnh của Disney trên mỗi cổ phiếu là 20 cent, cũng vượt qua mức dự đoán của Phố Wall là 70 cent trên mỗi cổ phiếu.

Trong khi đại dịch COVID-19 đã tấn công thẳng vào các công viên giải trí và mảng điện ảnh của Disney, nhưng công ty này đã kịp thời tập trung nguồn lực vào phát triển mảng phát trực tuyến đúng lúc người tiêu dùng mắc kẹt trong nhà, giúp đem lại một nguồn thu đáng kể bù đắp cho các khoản doanh thu bị mất đi.

“Disney sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng này,” Haris Anwar, nhà phân tích cấp cao tại trang Investing.com, nhận định.

Một năm sau khi tung ra gói đăng ký trực tuyến Disney + để cạnh tranh với Netflix, Disney cho biết dịch vụ giải trí này đã có 73,7 triệu người đăng ký. Trong khi các nền tảng phát trực tuyến khác như Hulu có 36,6 triệu khách hàng và ESPN + có 10,3 triệu.

Disney liệu đã vượt qua tác động của đại dịch? ảnh 1

Nền tảng Disney + được coi là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Disney trong năm nay.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các khoản đầu tư của mình vào mảng phát trực tuyến", CEO Bob Chapek tuyên bố trước đó.

Trong quý III vừa qua, mảng phát trực tuyến đã lỗ 580 triệu USD, ít hơn 1,0 tỷ USD mà các nhà phân tích dự báo. Chuyên gia Haris Anwar dự đoán Disney + sẽ có lãi trước năm 2024.

Tuy nhiên, Disney +  sẽ phải nỗ lực hơn nhiều để thu hút khách hàng tiếp tục đăng ký dịch vụ của mình. Trong thời gian tới, nền tảng này sẽ tung ra hàng loạt các sản phẩm hấp dẫn như phim hoạt hình "Soul" trong dịp Giáng sinh và series phim siêu anh hùng "WandaVision" vào tháng 1 năm 2021.

Mảng giải trí chịu thiệt hại lớn

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã buộc Disney phải đóng cửa các công viên giải trí cũng như lùi lịch phát hành của nhiều bộ phim bom tấn. Disney cho biết đại dịch đã làm giảm 2,4 tỷ USD lợi nhuận tại các công viên của họ.

“Ngay cả với sự gián đoạn do COVID-19 gây ra, chúng tôi vẫn có thể quản lý hiệu quả doanh nghiệp của mình đồng thời thực hiện các bước đi táo bạo, có chủ ý để định vị công ty nhằm tăng trưởng lâu dài hơn”, CEO Bob Chapek cho biết.

Các công viên giải trí của Disney hiện đã bắt đầu chào đón du khách trở lại, mặc dù tình hình dịch bệnh tại các quốc gia châu Âu và Mỹ vẫn chưa được khống chế.

Disney liệu đã vượt qua tác động của đại dịch? ảnh 2

Công viên Disneyland tại Tokyo bắt đầu mở cửa trở lại từ tháng 7.

Trong quý III, hầu hết các công viên giải trí của Disney, bao gồm cả khu nghỉ mát hàng đầu của hãng ở Florida, đã mở cửa trở lại nhưng với số lượng khách hạn chế. Các công viên và mảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng thiệt hại 1,1 tỷ USD thu nhập hoạt động.

Công viên Disneyland ở California đã đóng cửa từ tháng 3, trong khi Disneyland Paris cũng buộc phải đóng cửa lần thứ hai vào tháng 10. Nhiều nhà phân tích nhận định chỉ khi có vaccine COVID-19, hoạt động của các công viên chủ đề của Disney mới có hy vọng phục hồi.

Nhà phân tích Nicholas Hyett của công ty tài chính Hargreaves Lansdown cho biết: “Ngay cả khi có vaccine COVID-19, vẫn có thể mất vài tháng và có thể nhiều năm trước khi hoạt động kinh doanh trở lại như xưa”.

Ở phân khúc truyền thông, sự trở lại của các môn thể thao lớn đã giúp thúc đẩy kênh thể thao ESPN. Đơn vị này báo cáo thu nhập hoạt động 1,9 tỷ USD, tăng 5% so với một năm trước đó.

Lợi nhuận của hãng phim thuộc sở hữu của Disney đã giảm 61% xuống còn 419 triệu USD, do công ty trì hoãn các bộ phim lớn cho đến năm 2021 và nhiều cụm rạp tại Bắc Mỹ vẫn đóng cửa.

Disney cho biết họ sẽ bỏ cổ tức nửa năm cho nửa cuối năm tài chính 2020 để tài trợ cho hoạt động kinh doanh trực tuyến của mình.

Theo Reuters
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).