Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đề nghị thoái vốn của VTV tại Công ty Cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam, báo Vietnamnet đưa tin.
Thủ tướng đã đồng ý cho VTV, SCIC thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam, bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, không để thất thoát vốn nhà nước.
Kết luận của Thủ tướng về việc thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam. Ảnh: VTC News |
VTV trao đổi với các đối tác, đề xuất cụ thể tỷ lệ thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Chủ đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án Tháp truyền hình Việt Nam thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và các thủ tục về đất đai có liên quan theo đúng quy định.
Hồi tháng 7/2017, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về dự án Tháp truyền hình Việt Nam và phương án tái cơ cấu vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam.
Bộ Tài chính cho hay, từ cuối tháng 5, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã có công văn đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa VTV sẽ không tham gia đầu tư dự án Tháp truyền hình Việt Nam - một trong những tháp theo dự kiến ban đầu sẽ thuộc loại cao nhất thế giới.Lý do VTV đưa ra là hiện cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình.
VTV cũng cho biết Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đã có chủ trương đưa Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển của SCIC. Mặt khác, theo báo cáo của VTV thì hiện tại dự án chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án báo cáo lại Thủ tướng về sự cần thiết phải triển khai dự án, mục tiêu và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư. Trường hợp VTV và SCIC không tham gia dự án đồng nghĩa với việc Nhà nước không đầu tư vốn vào dự án.
Do đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị VTV và SCIC yêu cầu công ty tổ chức Đại hội đồng cổ đông để xác định lại sự cần thiết, mục tiêu của dự án, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Dự án Tháp truyền hình Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương nghiên cứu, hợp tác đầu tư từ đầu năm 2015.
Công trình dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Đây được đánh giá là dự án tầm cỡ quốc tế, có tính chất đặc thù nên cần có cơ chế đặc biệt do Thủ tướng quyết định về vốn, hình thức giao đất và phương thức chọn nhà thầu. Dự án cũng được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật.
Khi đó, lãnh đạo VTV cũng cho biết độ cao của tháp sẽ là 636m, hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m) và sẽ thuộc loại cao nhất trong số tháp truyền hình đã được xây dựng trên thế giới.
Trước đó, khi trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc VTV, Trưởng Ban chuẩn bị đầu tư xây dựng tháp Truyền hình Việt Nam phủ nhận thông tin trên - "Việc này chưa phải", ông Lương khẳng định, theo VTC News.
Tổng hợp