Cụ thể, ông Stephane Bancel - giám đốc điều hành Moderna, cho biết dựa vào sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron trên toàn cầu, các công ty dược sẽ phải điều chỉnh lại cơ chế hoạt động của vaccine để thích ứng với biến thể mới.
"Tôi không nghĩ rằng độ hiệu quả của vaccine trước Omicron sẽ giống như trước Delta. Chúng ta cần phải chờ dữ liệu. Nhưng tất cả các nhà khoa học mà tôi trao đổi đều không tự tin về tình hình hiện tại", ông Bancel trả lời tờ Financial Times.
Trong khi đó, Đại học Oxford của Anh cho biết chưa có bằng chứng cho thấy các vaccine hiện nay không thể bảo vệ người nhiễm biến thể Omicron trở bệnh nặng.
Đại học Oxford cho biết đến nay, dữ liệu về biến thể Omicron vẫn hạn chế, do vậy trường sẽ đánh giá một cách cẩn thận về tác động của vaccine ngừa COVID-19 do trường phối hợp với hãng dược phẩm AstraZeneca bào chế đối với biến thể mới này.
Đại học Oxford cũng nhấn mạnh sẵn sàng phát triển một phiên bản vaccine cập nhật với hãng AstraZeneca nếu thấy cần phải làm như vậy.
Nhận xét của lãnh đạo Moderna trái ngược với ý kiến từ các chuyên gia y tế và các chính trị gia, những người đang cố gắng đưa ra thông điệp lạc quan về độ hiệu quả của vaccine trước biến thể mới.
Hôm thứ Hai, ông Scott Gottlieb - giám đốc của Pfizer và là cựu ủy viên của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, phát biểu trên kênh truyền hình CNBC: "Có một mức độ tin cậy trong giới dược phẩm rằng với ít nhất 3 liều, bệnh nhân sẽ có khả năng bảo vệ khá tốt trước biến thể này.''
Moderna và Pfizer hiện là hai nhà cung cấp vaccine lớn nhất tại hầu hết các nước phát triển, do hiệu quả cao của các mũi tiêm dựa trên công nghệ mRNA.
Ông Bancel cho biết sẽ mất vài tháng trước khi một loại vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron có thể được sản xuất trên quy mô lớn và cho rằng các nước có thể tiêm mũi tăng cường cho nhóm người dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, giám đốc điều hành của Moderna chỉ ra rằng sẽ rất rủi ro nếu chỉ tập trung điều chế vaccine chống Omicron, trong khi các loại biến thể khác vẫn đang lưu hành.
Ông cũng chỉ trích những người đã cáo buộc các nhà sản xuất vaccine không sẵn lòng hỗ trợ việc triển khai tiêm chủng ở các nước đang phát triển như Nam Phi, nơi chỉ một phần tư dân số được tiêm chủng đầy đủ, theo Đại học Johns Hopkins.
''Đây hầu hết là một quyết định chính sách của các nước giàu. Ở Mỹ, chúng tôi được thông báo rằng chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc cung cấp 60% sản lượng của mình cho chính phủ. Đó không phải là một quyết định của Moderna, đó là một quyết định của chính phủ Mỹ", ông Bancel nói.