Thị trường sôi động với dòng vốn “khủng”
Năm 2019 được coi là năm bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp. Báo cáo thị trường tiền tệ của SSI Research cho thấy, trong năm qua các doanh nghiệp BĐS đã phát hành 106.5 nghìn tỷ đồng trái phiếu, chiếm 38% tổng lượng phát hành toàn thị trường.
Trong quý III/2019, Hưng Thịnh Land huy động được hơn 500 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành trái phiếu. Tính chung cả năm, doanh nghiệp này đã huy động trên 3.000 tỷ đồng để tăng quy mô hoạt động và thực hiện các dự án.
Hay CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt cũng huy động khoảng 1.800 tỷ đồng từ kênh trái phiếu để chuẩn bị cho năm 2020, với kế hoạch phát triển mạnh các dự án nhà phố, chung cư tại Bình Dương và tiếp tục triển khai dự án Nhơn Hội New City tại TP. Quy Nhơn.
Trên thị trường chứng khoán, BĐS An Gia đã “chào sàn” ngay những ngày đầu năm 2020 với 75 triệu cổ phiếu niêm yết, vốn hóa thị trường đạt 1.875 tỷ đồng. Hiện An Gia sở hữu quỹ đất khoảng 70 ha và dự kiến tung ra thị trường khoảng 9.000 – 12.000 sản phẩm trong 3 năm tới.
Mới đây, FLCHomes – thương hiệu BĐS đến từ hệ sinh thái Tập đoàn FLC công bố kế hoạch chào sàn mã cổ phiếu FHH trong đầu năm 2020 với giá 35.000đ/cổ phiếu, tương ứng mức vốn hóa dự kiến khoảng 14.350 tỷ đồng.
Bên cạnh 10 dự án BĐS cao cấp đang xúc tiến triển khai, FLCHomes sẽ đồng thời mở rộng quỹ đất trên vai trò là chủ đầu tư tại nhiều địa phương tiềm năng như Hà Nội, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Gia Lai... Sản phẩm chủ đạo bao gồm shophouse, liền kề, shopvilla nằm trong tổ hợp đô thị quy mô lớn đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và tiện ích.
Không chỉ tập trung vào nguồn vốn trong nước, nhiều doanh nghiệp còn tích cực tìm đến dòng vốn ngoại. Đơn cử như Novaland vừa huy động thành công khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá lên đến 250 triệu USD để tiếp tục phát triển mạnh dòng sản phẩm BĐS chủ lực trong thời gian tới, đặc biệt là các dự án tổ hợp nghỉ dưỡng giải trí ven biển.
Những kế hoạch kinh doanh sôi động cho năm mới cho thấy các doanh nghiệp không chỉ tìm được hướng đi mới để tiếp cận nguồn vốn tiềm năng mà còn đang có những chiến lược dài hơi phù hợp để củng cố nội lực và tận dụng tốt các cơ hội mà thị trường mang lại.
Loạt tín hiệu khả quan
Nhận định về bức tranh tổng quan của thị trường BĐS năm 2020, phần lớn các chuyên gia cho rằng không thiếu kênh để huy động vốn cho doanh nghiệp BĐS.
Thị trường trái phiếu, vốn FDI vẫn là những nguồn vốn đầy tiềm năng trong thời gian tới để các doanh nghiệp khai thác nhờ sức hấp dẫn và sự phát triển năng động của thị trường BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chú ý minh bạch về thông tin cũng như nâng cao năng lực phát triển dự án nếu muốn thu hút được dòng vốn chất lượng.
Ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM nhận định, nguồn vốn các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động từ phát hành trái phiếu năm 2020 dự kiến sẽ tăng 80% - 90%, đạt 200 ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, yêu cầu quy mô thị trường chứng khoán phải tăng cả về chất và lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Hiện tại, vốn hóa các doanh nghiệp BĐS chiếm tỷ trọng gần 23% thị trường chứng khoán. Nhưng khi so với số lượng mã niêm yết là 120 mã thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa “lên sàn”. Như vậy nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh niêm yết sẽ góp phần giải quyết bài toán về vốn.
FLCHomes là một trong những doanh nghiệp có kế hoạch niêm yết trong đầu năm 2020 |
Theo nhận định của chuyên gia, những cổ phiếu có lợi thế cạnh tranh hay có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao như VHM của CTCP Vinhomes, DXG của CTCP Đất Xanh hay HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô… sẽ thu hút dòng tiền và nhận được sự quan tâm từ phía nhà đầu tư.
“Tân binh” như FHH của FLCHomes cũng nhận được sự kỳ vọng lớn trước khi chính thức niêm yết nhờ hệ sinh thái vững chắc, có gắn kết chặt chẽ với hệ sinh thái của FLC, một trong những nhà đầu tư và phát triển bất động sản hàng đầu của Việt Nam. Với những “tài nguyên” như đội ngũ quản trị giàu kinh nghiệm, quỹ đất và quỹ dự án lớn, FLCHomes có thể chủ động tiếp nhận các dự án có điểm rơi doanh thu, lợi nhuận phù hợp và tạo động lực cho hoạt động mở rộng quy mô.
“Khi chia sẻ cơ hội đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi nhận thấy các đối tác đánh giá rất tốt về các doanh nghiệp bất động sản trong nước, tuy nhiên, thị trường lại vẫn thiếu các công ty đủ lớn để đối tác ngoại hứng thú rót vốn. Do đó, những doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tương đối lớn so với nhiều doanh nghiệp cùng lĩnh vực trên sàn như FHH sẽ thu hút được nguồn vốn chiến lược tốt bởi thỏa mãn yêu cầu của nhà đầu tư ngoại”, MBS cho hay.
Tựu trung lại, thị trường bất động sản vẫn nhận được niềm tin của phần đông về một tương lai phát triển ổn định và bền vững. Cùng với đó, dòng tiền cho các doanh nghiệp không thiếu nhưng quan trọng là doanh nghiệp cần tìm ra hướng tiếp cận phù hợp, các chuyên gia cùng nhận định.