Theo Sở Công Thương Hà Nội, mỗi ngày trên địa bàn Thành phố khối lượng phát sinh từ 5.500-6.000 tấn, trong đó, rác thải nhựa chiếm 8%-10%. Rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng chiếm khối lượng lớn; rác thải bao bì nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần phát sinh trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng thuộc loại khó và lâu phân hủy.
Một số doanh nghiệp, đơn vị đã có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa như hệ thống siêu thị BigC, Lotte, Co.opMart, Co.opFood… đã sử dụng túi tự hủy sinh học, sử dụng phương pháp bao gói rau củ bằng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên từ lá chuối, lá dong, túi giấy để thay thế cho túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa, 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm, 123 chuỗi, gần 800 cửa hàng trái cây... Trong đó, nhựa dùng trong sản xuất bao bì hiện đang phục vụ nhu cầu cho khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm.
Để công tác chống rác thải nhựa thu được hiệu quả cao nhất, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; Đối với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, đơn vị quản lý, khai thác chợ…,. Đồng thời, tích cực chung tay tuyên truyền, phổ biến tới các đối tác, khách hàng, người tiêu dùng trong hoạt động “Chống rác thải nhựa”.
Đại diện các doanh nghiệp ký cam kết phòng chống rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối tiêu dùng. |
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối, Ban Quản lý các chợ trên địa bàn Thủ đô đã ký cam kết phấn đấu đến hết 31-12-2020 thực hiện 8 nội dung để chống rác thải nhựa gồm: Thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy và nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm, nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường như lá sen, lá chuối, túi phân hủy sinh học, màng bọc thực phẩm sinh học; thìa, dĩa, dao làm từ nguyên liệu sinh học để phục vụ khách hàng, người tiêu dùng. Có các chương trình khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng túi vải, làn mây, túi thân thiện môi trường khi đi mua sắm tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng.
Khuyến khích nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, giấy tái chế thay thế nilon để bao gói các sản phẩm cung cấp cho siêu thị, cửa hàng. Không sử dụng ống hút nhựa, cốc nhựa, thìa nhựa phục vụ khách hàng. Sử dụng giấy tái chế thay thế nilon để bao gói sản phẩm. Không tặng, không bán túi nilon khó phân hủy cho khách hàng, người tiêu dùng. Tích cực hưởng ứng, tổ chức phát động phong trào thu gom chất thải nhựa sử dụng 1 lần và túi nilon khó phân hủy tại đơn vị. 100% rác thải phát sinh trong sinh hoạt kinh doanh được phân loại tại nguồn.