Bỏ việc vì áp lực
Ông Nguyễn Xuân Anh kể lại rằng, trong quá trình tuyển dụng, ông và công ty nhận thấy nhiều học sinh, sinh viên chưa có kỹ năng lập kế hoạch công việc trước 30 tuổi. Nhiều sinh viên khi ra trường chỉ nghĩ đơn thuần là đi làm có thu nhập nhưng thực tế khi đi làm còn liên quan đến văn hóa doanh nghiệp, áp lực công việc nên không ít sinh viên nghỉ việc sau 3 -6 tháng làm việc. “Những kiến thức này cần được đưa vào dạy trong nhà trường”.
Là người sử dụng lao động, ông Xuân Anh nhận xét, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp đáp ứng được công việc nhưng vấn đề thiếu nhất là ngoại ngữ, tác phong kỷ luật lao động, nhất là trong dây truyền công nghiệp. Bên cạnh đó, học sinh khi sắp xếp theo từng vị trí việc làm thì thiếu kỹ năng thích ứng chuyên ngành nhỏ.
Trong khuôn khổ diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” tổ chức hồi tháng 11, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) thừa nhận công tác đào tạo nghề của doanh nghiệp vẫn còn nhiều rào cản. Trên thực tế, khi doanh nghiệp có nhu cầu hay cần tuyển dụng lao động, họ luôn sẵn sàng liên kết với nhà trường. Tuy nhiên, một số thủ tục đang gây khó cho doanh nghiệp như người tham gia đào tạo từ doanh nghiệp thì phải có chứng chỉ sư phạm. Hoặc như quy định quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp và nhà trường tham gia quá trình đào tạo nhưng vẫn bỏ lửng đối tượng hưởng lợi như trường hợp doanh nghiệp đào tạo lao động nhưng người lao động bỏ giữa chừng xử lý ra sao?
Kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp
Theo các khảo sát, ngân sách dành cho đào tạo nhân viên của các doanh nghiệp Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 1/5 tháng lương của một nhân viên/năm, thường từ khoảng 300.000 – 500.000 đồng/người/năm. “Thực trạng này chỉ phù hợp với 10 năm trước, khi chúng ta vẫn ưu tiên sử dụng lao động không qua đào tạo, doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo sản xuất kinh doanh mà chưa yêu cầu cao về nhân lực. Nhưng, 10 năm tới điều này sẽ phải thay đổi, doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng giá trị gia tăng, khi đó phải ưu tiên phát triển nguồn nhân lực và thậm chí là giành công việc đó. Vì vậy, giáo dục nghề nghiệp không chỉ còn đào tạo lại cho doanh nghiệp mà cho cả lao động đang tham gia sản xuất kinh doanh. Đây là khu vực rất rộng cho các trường nghề để tuyển sinh, bởi vì chúng ta hiện có khoảng 55 triệu lao động, nhưng mới chỉ có 24% qua đào tạo, 35% đang làm ở khu vực nông nghiệp, và một tỷ lệ lớn lao động tới đây sẽ phải đào tạo lại. “Vì thế, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và trường nghề phải làm thực chất, chứ không chỉ dừng ở việc cấp chứng chỉ thì mới có có được đội ngũ nhân lực có chất lương” - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân khẳng định.
“Không một quốc gia nào trên thế giới có thể đào tạo được những con người ở trong trường có khả năng làm được ngay những việc doanh nghiệp cần, nếu không có sự tham gia của chính doanh nghiệp vào quá trình đó” – Thứ trưởng nói. Thực tế cho thấy, chỉ khi chủ động hợp tác với các trường nghề để cùng chuẩn bị nguồn nhân lực cho mình thì khi đó doanh nghiệp sẽ hài lòng, còn nếu doanh nghiệp vẫn đứng ngoài để tuyển dụng lao động thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không tuyển dụng được.
“Doanh nghiệp hợp tác với trường nghề sẽ giúp hai bên đều xác định được nhu cầu. Đặc biệt khi doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo thì sẽ xử lý được bài toán có lao động sớm, tức là ngay lúc sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường đã có thể tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ rất chủ động có nhân lực khi ký kết chính thức hợp đồng với sinh viên, đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu công việc. Giáo dục nghề nghiệp khác rất nhiều so với giáo dục đại học. Bởi vì, giáo dục đại học tập trung vào đào tạo những con người có tư duy phân tích tổng hợp, đổi mới sáng tạo, do đó họ thường mất một thời gian để hội nhập, khi tích lũy các kinh nghiệm thực tiễn mới giải quyết được công việc. Còn giáo dục nghề nghiệp chủ yếu tập trung vào cung ứng nhân lực mà doanh nghiệp đang cần để vận hành các quy trình, công nghệ. Chính vì lẽ đó, giáo dục nghề nghiệp có lợi thế rất lớn trong hợp tác với doanh nghiệp” - Thứ trưởng Lê Quân phân tích.
Xuất phát từ những nhu cầu thực tế về lao động, doanh nghiệp hiện nay không chỉ có tuyển mới, đào tạo nhân lực từ bên ngoài vào mà cần ưu tiên đầu tư đào tạo đội ngũ đang có tại doanh nghiệp, để thích ứng với những thay đổi của công nghệ và môi trường kinh doanh.