Căng thẳng chính trị đang gia tăng ở Campuchia, sau khi Thủ tướng Hun Sen điều các binh sĩ thuộc lực lượng cảnh vệ hàng đêm đến triển khai trước trụ sở đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) ở thủ đô Phnom Penh nhằm ngăn chặn kế hoạch tổ chức biểu tình quy mô lớn của lãnh đạo đảng này.
Theo các chuyên gia phân tích, đơn vị cảnh vệ đang ngày càng trở thành công cụ đắc lực để Thủ tướng Hun Sen gây sức ép với lãnh đạo đảng đối lập, nhằm bảo vệ cái mà ông gọi là "trật tự và luật pháp". Đây là một đơn vị có quyền lực rất lớn, có ảnh hưởng bao trùm nhiều cơ quan nhà nước khác của Campuchia, kể cả tòa án, cảnh sát và các cơ quan công quyền.
Đơn vị bảo vệ Thủ tướng Campuchia được thành lập từ năm 1995, trực thuộc Lữ đoàn 70 bảo vệ lãnh đạo. Tuy nhiên, đến năm 2009, Thủ tướng Hun Sen ký nghị định tách Bộ tư lệnh Cảnh vệ khỏi Lữ đoàn 70, theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Australia.
Nghị định này chỉ rõ Bộ tư lệnh Cảnh vệ là một bộ phận của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng, có nhiệm vụ bảo vệ Thủ tướng và gia đình cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo chỉ đạo của người đứng đầu chính phủ Campuchia.
Trong lễ kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Bộ tư lệnh Cảnh vệ diễn ra hôm 11/9 tại sở chỉ huy ở thành phố Takhmao, tỉnh Kandal, tướng Pol Saroeun, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia, tuyên bố các binh sĩ của ông luôn "tuyệt đối trung thành" với Thủ tướng Hun Sen và gia đình, quyết tâm "ngăn chặn cách mạng màu diễn ra ở Campuchia".
Trung tướng Hing Bun Heang, tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ, cũng đưa ra tuyên bố tương tự, khẳng định sẽ bảo vệ các lãnh đạo cấp cao của chính phủ và các cơ quan nhà nước, tuân thủ những chính sách của chính phủ hợp pháp được thành lập sau bầu cử.
Ngoài sở chỉ huy ở Takhmao, đơn vị cảnh vệ này còn có một tổng hành dinh đóng ngay đằng sau dinh thự của Thủ tướng Hun Sen ở thủ đô Phnom Penh. Đây được cho là nơi xuất phát của những chiếc xe tải chở đầy binh sĩ hàng đêm kéo đến bao vây trụ sở của CNRP.
Kết huynh đệ với doanh nhân Trung Quốc
Thủ tướng Hun Sen (áo trắng) và doanh nhân Trung Quốc Fu Xianting. Ảnh:FT |
Các binh sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ là những người được đào tạo, huấn luyện và trang bị tốt nhất trong quân đội Campuchia. Ngoài các vũ khí cá nhân thông thường, họ còn được quyền sử dụng cả súng máy, xe thiết giáp và trực thăng vũ trang do Trung Quốc sản xuất. Họ cũng được nhận mức lương trung bình khoảng 300 USD, cao gấp nhiều lần so với mức lương bình quân 13 USD của lính bộ binh thông thường.
Theo một cuộc điều tra của tờ Financial Times, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Campuchia có mối quan hệ rất đặc biệt với Unite International, một công ty do nhà tài phiệt Trung Quốc Fu Xianting đứng đầu.
Trong cộng đồng doanh nhân Campuchia, "Đại ca Fu" là một cái tên rất nổi tiếng. Ông Fu là một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, có thân hình vạm vỡ và chất giọng sang sảng của một quân nhân. Ở Campuchia, hiếm có doanh nhân nào có mối quan hệ chính trị rộng rãi và được chính quyền ưu ái như "Đại ca Fu".
Nhà tài phiệt này ký thỏa thuận thành lập liên minh "quân đội – doanh nghiệp" với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ vào tháng 4/2010, bằng cách đầu tư trang thiết bị hiện đại cho đơn vị bảo vệ ông Hun Sen. Tại lễ ký kết, tướng Bun Heang đã ca ngợi ông Fu hết lời.
Công ty Unite International của ông này đã tài trợ một loạt phương tiện, trang bị cho Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, trong đó có 220 chiếc môtô vào năm 2009. Các binh sĩ cảnh vệ Campuchia vẫn thường xuyên sử dụng những môtô này để đi tuần tra trên đường phố Phnom Penh.
Trong lễ tiếp nhận các khoản tài trợ của ông Fu, Phó thủ tướng Sok An đã "cảm ơn Tập đoàn Unite vì món quà 220 môtô và nhiều khoản hỗ trợ về vật chất trước đó cho đơn vị cảnh vệ của ông Hun Sen".
Trong các sự kiện lớn, ông Fu thường quàng chiếc khăn màu đỏ đính huy hiệu vàng, biểu tượng cho thấy ông có quan hệ mật thiết với Thủ tướng Hun Sen. Mối quan hệ này thân cận đến mức các thành viên Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thường gọi ông Fu là "huynh đệ" và cam kết sẽ "tạo hành lang an toàn cho mọi hành động của ông Fu".
9 tháng sau khi đưa ra những khoản tài trợ hào phóng cho Bộ tư lệnh Cảnh vệ, công ty Unite International đã giành được gói thầu lớn, biến một vùng bờ biển đẹp nhất của Campuchia thành tổ hợp du lịch trị giá 5,7 tỷ USD. "Cá nhân tôi bày tỏ lòng biết ơn và ủng hộ công ty ông vì đã thực hiện dự án du lịch này", ông Hun Sen viết trong một lá thư gửi cho ông Fu, theo FT.
Ở Bắc Kinh, ông Fu là thành viên Hiệp hội Liên lạc Hữu nghị Quốc tế Trung Quốc, tổ chức thường xuyên báo cáo lên Bộ Ngoại giao nước này. Còn ở Phnom Penh, ông là cố vấn chính thức của Thủ tướng Hun Sen, và là doanh nhân được trọng vọng nhất trong các nghi lễ nhà nước và quân đội.
Mở rộng quy mô
Với quyền lực bao trùm các cơ quan chính phủ và sự hỗ trợ lớn từ doanh nghiệp, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ không ngừng phát triển về quy mô cũng như mức độ can thiệp vào các sự kiện an ninh của nước này.
Binh sĩ và xe tăng Bộ tư lệnh Cảnh vệ diễu binh trong lễ kỷ niệm 7 năm ngày thành lập. Ảnh:PhnomPenh Post |
Một số tổ chức nhân quyền cáo buộc rằng Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thường xuyên có các hành động bắt bớ, trấn áp trái quy định. Trong một cuộc tuần hành cuối năm ngoái, các cảnh vệ mặc thường phục thuộc đơn vị này đã lôi hai nghị sĩ đảng đối lập Campuchia ra khỏi xe và đánh đập dã man, khiến họ phải nằm viện nhiều tháng trời. Hồi tháng ba, một tòa án Campuchia tuyên án một năm tù đối với ba sĩ quan cảnh vệ vì tham gia vào cuộc tấn công.
Trong một nghị định được ông Hun Sen ký ngày 21/7, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ sẽ được tăng quân số lên đáng kể. Nhiều nguồn tin cho hay đơn vị này hiện có 3000 quân tinh nhuệ, và theo nghị định mới, họ sẽ được bổ sung thêm 350 binh sĩ vào biên chế.
Tướng Bun Heang khẳng định đợt bổ sung quân này "không có gì lạ", bởi đơn vị này cần phải thay thế những người đã về hưu. Tuy nhiên, động thái này diễn ra trong bối cảnh quân đội Campuchia đang tiến hành các cuộc diễn tập công khai, và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ vẫn đang huy động xuồng tuần tra, trực thăng và binh sĩ mang súng máy quần thảo xung quanh trụ sở CNRP.
Sisowath Thomico, thành viên đảng CNRP, cho rằng đây là đợt tăng quân số đáng kể so với quy mô của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, đơn vị vẫn không ngừng phình ra về biên chế và trang bị so với các lực lượng vũ trang thông thường. "Tôi cho rằng đây là dấu hiệu chứng tỏ Thủ tướng đang lo lắng, nếu không ông ấy cần đến một đơn vị cảnh vệ mạnh như vậy để làm gì", Thomico nói.