Hàng chục năm “đi” nhờ
Chị Phạm Thị Thu Hòa, 36 tuổi, thôn Phú Ninh (xã Định Công, Yên Định, Thanh Hóa) – một bà mẹ đơn thân nghèo làm nghề phụ hồ, một mình nuôi con gái (8 tuổi) ăn học. Cuộc sống khó khăn nên việc xây dựng một cái nhà vệ sinh với mẹ con chị là điều xa xỉ.
Chị Hòa nhớ lại, từ những năm 2000, dong duổi từ miền Nam trở về quê, chị vay mượn tiền bạc mua được mảnh đất, không còn tiền dựng nhà nên đành ở trong túp lều lụp xụp, tường đất mái lá. “Lúc ấy nhà cái vệ sinh không có, tôi toàn phải đi nhờ nhà cậu em cách đây 30 m. Việc đi vệ sinh rất bất tiện, nhà vệ sinh chỉ 2 ngăn, rất mất vệ sinh. Nhà vệ sinh dùng tro lấp lại sau khi sử dụng quanh năm bốc mùi, ô nhiễm… khiến nguồn nước giếng khoan bị ảnh hưởng. Chưa kể nhà đông người đi vệ sinh nhờ ngại lắm. Bí quá phải đại tiện tôi mới qua đó, còn tiểu tiện thì toàn ra vườn, khu đất trống” – chị Hòa nhớ lại.
Cách đây 2 năm, chị Hòa được chị Đỗ Thị Nương - cán bộ hội phụ nữ thôn Phú Ninh vận động làm nhà vệ sinh tự hoại, chị lưỡng lự. “Lúc đó cũng đắn đo suy nghĩ nhiều lắm vì tiền không có, nhà còn chưa xây nói gì đến việc xây nhà vệ sinh” – chị Hòa vân vê gấu áo ngại ngùng kể.
Cuối năm 2015, đầu năm 2016, lúc đó chị Hòa bán một con bò thu được 6 triệu đồng, chị nghĩ bụng, không thể cứ mãi đi nhờ được, chị quyết định vay mượn thêm để làm nhà vệ sinh tự hoại.
Chị Phạm Thị Hòa bên chiếc nhà vệ sinh sạch đẹp xây cuối năm 2017. |
“Từ ngày có nhà vệ sinh đẹp, hai mẹ con như được… đổi đời. Chất lượng cuộc sống khác hẳn, con bé nhà tôi cảm thấy rất thích thú. Mỗi lần vào nhà vệ sinh không phải bịt mũi, nín thở hay mau mau chóng chóng chạy ra nhanh. Có hôm, con gái tôi còn ngồi trong đó cả tiếng vừa đi vệ sinh vừa nghịch điện thoại. Vui nhất là mỗi lần có bạn bè của con bé đến chơi hay nhà có khách, tôi bớt thấy xấu hổ…” - chị Hòa phấn khởi chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Nương, cán bộ hội phụ nữ thôn Phú Ninh cho biết, thôn có 399 hộ dân, 100% hộ dân là người dân tộc Kinh và làm nông nghiệp thuần thúy. Người dân như chị Hoa có được nhà vệ sinh hợp chuẩn là nhờ Dự án Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa vào kết quả đầu ra (CHOBA) do Tổ chức Đông tây Hội ngộ tài trợ cho Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện.
Trước đó, theo bà Nương, chỉ có khoảng 60% số hộ dân trong thôn của tôi có nhà vệ sinh, nhà có hố xí hai ngăn, nhà có vệ sinh tự hoại. Đa số dùng nhà vệ sinh hai ngăn, hoặc nhà xí lợp lá, bắc cầu và đổ tro rất mất vệ sinh... Đặc thù địa hình thôn Cẩm Chướng nằm ở vùng đồi núi, dốc, khi trời mưa nước dội từ trên đồi núi xuống, nước chảy xuôi mang theo cả rác thải, phân tro của những nhà trên dội xuống khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Không những thế, phân, tro theo nước bốc mùi xú uế rất kinh khủng. Những lần như vậy, chủ yếu người phụ nữ trong gia đình phải làm vệ sinh, dọn dẹp, đàn ông họ ít làm lắm. Chính bởi vậy, hầu hết các chị em phụ nữ đều mong muốn gia đình có nhà vệ sinh tự hoại.
“Nhờ những cố gắng trong hoạt động truyền thông, cũng như sự nỗ lực của các hộ dân mà tới nay đã có tới 90% hộ dân trong thôn có nhà vệ sinh sạch đẹp, hiện đại. Vấn đề vệ sinh môi trường của thôn, xã cũng được đảm bảo hơn. Tình trạng người dân ốm đau mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa cũng giảm nhiều so với trước” – bà Nương chia sẻ.
Nhà vệ sinh trường học “ngóng” dự án
Sự có mặt ngày càng nhiều của những nhà vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh đã khiến đời sống của người dân Yên Định, Thanh Hóa thay đổi. Nhiều đơn vị trong vùng cũng mong muốn dự án hỗ trợ xây nhà vệ sinh tiếp tục được triển khai, mở rộng hình thức triển khai, trong đó có rất nhiều trường học nông thôn.
Cô Đinh Thu Trang – Giáo viên trường Tiểu học Định Công (Yên Định, Thanh Hóa) cho biết, ngoài vấn đề chăm sóc sức khỏe định kỳ như khám sức khỏe, cho các con uống thuốc tẩy giun, nhà trường cũng thực hiện tư vấn, tuyên truyền cho các con về cách thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo vệ môi trường.
“Tuy nhiên, có thực tế, vấn đề những nhối là “điểm đen” trong vấn đề duy trì môi trường đảm bảo vệ sinh trong các trường học chính là xử lý nhà vệ sinh chung và duy trì nguồn cấp nước sạch. Hiện nay trường có 4 nhà vệ sinh cho các con dùng nhưng nhà vệ sinh có cũng như không, chủ yếu chỉ chia ngăn nhỏ cho các con đi tiêu tiện. Các con muốn đi đại tiện không có cách nào khác… phải nhịn, chờ tan lớp về nhà. Thêm vào đó, nhà vệ sinh trong trường không hiện đại, không có hệ thống xả nước tự động nên rất ô nhiễm mất vệ sinh, bốc mùi bủa vây lớp học” – cô Trang nói.
Ông Đinh Ngọc Quý, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Thanh Hoá cũng cho biết, việc hỗ trợ xây nhà vệ sinh hợp chuẩn chỉ dừng lại ở việc triển khai hỗ trợ tại cộng đồng, ưu tiên cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là chưa đủ. Cá nhân ông mong muốn sẽ được các đối tác hỗ trợ triển khai dự án trong phạm vi rộng hơn cụ thể là trong phạm vi trường học.
Ông nói: “Không lẽ thầy cô, các cháu học sinh đến trường chỉ có mỗi việc dạy và học, còn đại tiện phải chạy về nhà để giải quyết? Ai cũng biết, trong nhu cầu của con người thì ngoài việc ăn, ngủ, tắm thì vệ sinh là một thiết yếu thường xuyên và liên tục. Trường học tập trung đông học sinh, môi trường giáo dục phải đảm bảo, các em học sinh có quyền được thụ hưởng những điều kiện tối thiểu là vệ sinh cá nhân”.
Hiện tại, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Thanh Hóa là đơn vị đang được hỗ trợ thực hiện dự án tẩy giun cho các em học sinh trong trường học, tuy nhiên theo ông Quý, các trường học vẫn còn tồn tại khá nhiều những khó khăn cần được hỗ trợ chứ không riêng gì vấn đề chăm sóc sức khỏe và tẩy giun (?!)
Chính vì vậy, ông bày tỏ mong muốn các tổ chức xã hội chung tay có thể hỗ trợ để triển khai các công trình thiết thực cho người dân nông thôn như công trình vệ sinh nước sạch tại trường học, nhà vệ sinh hợp chuẩn tại trường học. Bên cạnh đó có thể hỗ trợ đẩy mạnh công tác truyền thông về vệ sinh môi trường, nước sạch trong tất cả các cấp học để nâng cao nhận thức của học sinh và thầy cô.
“Một số cuộc khảo sát của trung tâm cho thấy tỷ lệ nước sạch, đặc biệt là nhà vệ sinh trong trường học bị xuống cấp rất nhiều, không đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Điều này dễ khiến học sinh mắc các bệnh đường tiêu hóa. Nguồn nước hiện nay nhiều nơi vẫn còn thiếu không đảm bảo vệ sinh. 2/3 số nhà vệ sinh trong trường học cũng rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng khiến nhiều học sinh ngại đi vệ sinh tại trường dẫn tới trường hợp nín, nhịn tiểu gây các bệnh về thận, tiêu hóa” – ông Quý kiến nghị.
Đầu năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản giao xây dựng quy định về việc sửa chữa, xây dựng và quản lý các công trình vệ sinh, cấp nước sạch trong trường học trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan căn cứ quy định hiện hành của pháp luật tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy định về việc sửa chữa, xây dựng và quản lý các công trình vệ sinh, cấp nước sạch trong trường học; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/8/2018.
Về phía Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch cụ thể về việc ưu tiên bố trí ngân sách, huy động xã hội hóa từ các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp và nguồn vốn hợp pháp khác để giải quyết dứt điểm việc thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn theo quy định, công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.