Liên minh phòng khám?
Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài phản ánh về quá trình khám chữa bệnh cũng như buôn bán Thực phẩm chức năng (TPCN) của Phúc Minh Đường, đường dây nóng của toà soạn đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ những người đã từng là nạn nhân của phòng khám này.
Trong số đó, ghi nhận được nhiều phản ánh của người bệnh về việc họ đã từng đi khám bệnh và mua thuốc tại một phòng khám “na ná” Phúc Minh Đường nhưng lại có địa chỉ ở số 7 ngõ 102 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội.
Đáng chú ý, hoạt động khám chữa bệnh cùng cung cách làm việc cũng như những vị “thầy thuốc” tại đây hoàn toàn không khác gì phòng khám Phúc Minh Đường, ngoài tên gọi Thiệu Khang Đường.
Những quảng cáo của Phúc Minh Đường và Thiệu Khang Đường thường có chung nội dung, thậm chí là chung cả người dẫn dắt |
Được biết, Phúc Minh Đường chỉ có 2 cơ sở tại Hà Nội là 276 Lê Trọng Tấn và số 55 ngõ 158 Nguyễn Khánh Toàn cùng 2 sở sở tại miền Nam. Quá trình tìm hiểu ghi nhận được, trên mạng Internet, phòng khám Thiệu Khang Đường được quảng cáo bằng nhiều website cũng như các trang mạng xã hội khác nhau, khiến khách hàng như bị rơi vào “ma trận”.
Cũng giống như Phúc Minh Đường, với mỗi loại TPCN Thiệu Khang Đường lại dùng tương ứng với nhiều website hay trang mạng xã hội để quảng cáo. Trên những trang quảng cáo này, hình ảnh những “thầy thuốc” của Thiệu Khang Đường cho thấy, những “thầy thuốc” này đều là những người rất “quen mặt” khi liên tục xuất hiện trong các video clip quảng cáo của Phúc Minh Đường.
Trong vai khách hàng, phóng viên gọi điện thoại tới số 0931595515 trên trang quảng cáo của phòng khám Thiệu Khang Đường để hỏi mua sản phẩm Chỉ Khiết Hầu. Vẫn là mô típ quen thuộc giống Phúc Minh Đường, nhân viên tư vấn sau khi hỏi bệnh nhân bị bệnh gì thì bắt đầu “tuôn” ra những lời giới thiệu về thuốc rất bài bản, như đã học thuộc sẵn từ trước.
Đặc biệt hơn, người tự xưng là “thầy thuốc” của Thiệu Khang Đường này chỉ sau vài câu nói chuyện với phóng viên qua điện thoại, đã kết luận bệnh nhân bị viêm họng và kê đơn thuốc luôn cho phóng viên mà không cần khám xét thực tế.
Khi được hỏi rằng có cần mang kết quả đã khám tây y đến để tham khảo không thì chị này trả lời: “Đông y chỉ cần bắt mạch và dựa vào dấu hiệu lâm sàng để khám, không cần đến kết quả của tây y làm gì” – Câu trả lời mà “thầy thuốc” của Phúc Minh Đường cũng đã từng trả lời với phóng viên trong lần tác nghiệp trước…
Sản phẩm này được Thiệu Khang Đường giới thiệu là đặc trị, tư vấn viên của Phúc Minh Đường cũng khẳng định loại thuốc này là của đơn vị mình tự bào chế |
Vị “thầy thuốc” này kê đơn qua điện thoại ngay 1 liệu trình điều trị bằng thuốc trong 2-3 tháng cho phóng viên uống. Liệu trình đầu tiên uống trong vòng 1 tháng với giá 1.350.000đ bao gồm 3 lọ sản phẩm Chỉ khiết hầu để uống và 1 lọ An Họng Khang để ngậm. Sau khi hết thuốc lại mua uống tiếp và “thầy thuốc” này khẳng định không cần đến khám, nhà thuốc sẽ gửi thuốc đến tận nhà…
“Chỉ khiết hầu là thuốc đặc trị do nhà thuốc sản xuất, nhà thuốc sẽ hỗ trợ bào chế thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của em. Thuốc này có tác dụng đào thải ổ viêm và làm lành thành họng của em sau khi đã bị tổn thương. Cứ uống, nếu hợp thuốc thì sẽ khỏi nhé” – Người này cho biết.
Có thể thấy rằng, những vị “thầy thuốc” tự xưng này dù là trên danh nghĩa Phúc Minh Đường hay Thiệu Khang Đường thì đều luôn luôn hướng người bệnh mua TPCN “đội lốt” thuốc đặc trị của phòng khám để điều trị bệnh một cách vô tội vạ, còn hiệu quả đến đâu thì “thân ai người ấy lo”, phòng khám không đảm bảo.
Nhiều cơ sở nhưng chung một chủ?
Tiếp tục dò hỏi về phòng khám tại 276 Lê Trọng Tấn có phải là của Thiệu Khang Đường không, người này cũng cho biết: “Nhà thuốc có 3 cơ sở tại Hà Nội, cơ sở chính ở số 7 ngõ 102 Khuất Duy Tiến với tên Thiệu Khang Đường, và 1 cơ sở ở 276 Lê Trọng Tấn với tên Phúc Minh Đường cùng 1 cơ sở ở Cầu Giấy. Hai nơi là một nên có thể khám và mua thuốc ở cơ sở nào cũng được nhé”.
Quá trình tìm hiểu còn cho thấy, các loại TPCN có nhiều dấu hiệu bị “thổi phồng” tác dụng cũng như tiềm ẩn nguy cơ có tác dụng phụ như Đào nữ an, Vương khớp an, Tán trĩ an… cũng đều được cả 2 phòng khám này buôn bán tràn lan, và “mua ở cơ sở nào cũng được”.
Hình ảnh hoạt động khám xét tại Thiệu Khang Đường |
Với sản phẩm Chỉ khiết hầu, Thiệu Khang Đường tự nhận rằng loại TPCN này phòng khám này tự bào chế và sản xuất. Bằng cách khám chữa bệnh qua điện thoại như vậy, Thiệu Khang Đường luôn điều trị cho bệnh nhân bằng một lý lẽ “mặc định” rằng cứ bị viêm họng, đau họng thì cho uống Chỉ khiết hầu(!?)
Phòng khám này còn tự “nổ” rằng có thể “điều trị dứt điểm cho bệnh nhân bị ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân giai đoạn cuối đã di căn”?
Trong khi các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng ung thư là bệnh không thể chữa khỏi được, vậy mà Thiệu Khang Đường quảng cáo cho những loại thuốc mà không ai có thể kiểm chứng được tác dụng và ngang nhiên bán cho những người bệnh bị ung thư để trục lợi một cách vô nhân tính.
Câu hỏi đặtk ra là cơ quan chức năng ở đâu để Phúc Minh Đường, Thiệu Khang Đường lộng hành coi thường kỷ cương, pháp luật và tính mạng bệnh nhân?
Ngày Nay tiếp tục cập nhật thông tin!