Xác nhận với Tuổi Trẻ Online, ngày 5/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng cho biết Thủ tướng đã đồng ý về mặt chủ trương cho tăng giá điện với kế hoạch tăng dự kiến sẽ vào thời điểm nửa cuối tháng 3.
Như vậy, sau 3 năm kể từ thời điểm giá điện được điều chỉnh vào ngày 1/12/2017 với mức bán lẻ bình quân 1.720,65 đồng/kWh, thì với mức tăng 8,36% vào cuối tháng 3 này, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng lên gần 1.864,44 đồng/kWh.
Trao đổi với PV báo Người Lao Động, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc điều chỉnh giá điện là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành điện. Tính từ 2010 tới nay đã có 7 đợt giá điện, trong đó lần gần nhất vào cuối năm 2017. Ông Vượng cho rằng theo quy định lẽ ra năm 2018 phải có lần điều chỉnh giá điện nhưng tính tới cân đối kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… nên chưa điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Thời gian qua, ngành điện đã rà soát lại cơ cấu các yếu tố đầu vào tác động tới giá thành giá điện và có báo cáo Chính phủ. Trong lần họp cuối tháng 1 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã thống nhất chủ trương đồng ý với đề nghị tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% so giá điện bình quân hiện hành. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân hiện nay 1.720,65 đồng/kWh sau khi điều chỉnh sẽ lên tăng lên 1.864,44 đồng/kWh.
Theo Thứ trưởng Vượng, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% sẽ có tác động tới tăng trưởng GDP và Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán cho thấy việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm GDP 0,22%, và làm CPI tăng thêm 0,29%, An Ninh Tivi đưa tin.
Cũng theo Thứ trưởng Vượng, quan điểm điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ trong năm 2019 là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để GDP tăng từ 6,8% trở lên. Việc điều chỉnh giá điện tăng 8,36% đã được tính toán để đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã thông qua.