Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2023 đạt 4,5 triệu lượt, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ 2022 và đạt 128,86% kế hoạch năm 2023. Trong đó, khách nội địa đạt gần 4,4 triệu lượt, gấp 2,11 và đạt 129,18% kế hoạch; khách quốc tế đạt 118.000 lượt, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ và đạt 118% so với kế hoạch.
Tổng thu từ khách du lịch đạt 5.096,3 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ và đạt 128,86% kế hoạch năm 2023.
Toàn tỉnh hiện có 532 cơ sở lưu trú, gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 43 đơn vị lữ hành; có khoảng 15.300 lao động trong lĩnh vực du lịch. Hiện Quảng Bình có gần 40 sản phẩm, điểm tham quan du lịch đã được phê duyệt đề án hoặc cho phép khai thác thử nghiệm.
Trong năm qua, Quảng Bình tiếp tục nhận được sự đánh giá cao của khách du lịch. Đặc biệt, vào ngày 19/10, xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá là đại diện Việt Nam duy nhất đã được tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là "Làng du lịch tốt nhất" năm 2023. Điều này góp phần lan toả hình ảnh du lịch Quảng Bình ra thế giới, từng bước trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam.
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, năm 2024, Quảng Bình đặt mục tiêu đón 4,5 - 5 triệu lượt du khách. Trong đó, khách nội địa từ 4,3- 4,8 triệu lượt, khách quốc tế đạt 200.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch từ 5.085 - 5.650 tỷ đồng.
Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho phát triển du lịch, trong đó ưu tiên hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, các khu vui chơi giải trí.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng; phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch cộng đồng.
Đồng thời phát triển thêm các nhóm sản phẩm du lịch mới gồm: Du lịch lễ hội; du lịch MICE; du lịch đường sông trên các tuyến thủy nội địa Nhật Lệ - Long Đại, sông Gianh, sông Son, sông Chày; các dịch vụ giải trí ban đêm.
Liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong khối liên kết Hà Nội – Quảng Bình – Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế; các địa phương thuộc "Con đường di sản miền Trung"; các tỉnh trên hành lang kinh tế Đông Tây; các tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng chung đường 8 và đường 12 để phát triển các sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó sẽ tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, tập huấn về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, khả năng ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư; ứng dụng chuyển đổi số trong truyền thông, quảng bá.
"Quảng Bình sẽ nắm bắt xu hướng thị trường để đáp ứng kịp thời nhu cầu và thị hiếu mới của khách du lịch. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch để đón khách du lịch quốc tế trong đó tập trung vào thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn như ASEAN và thị trường có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, Đông Âu…", Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình thông tin.