Chiều 22/12, Hội nghị tổng kết liên kết phát triển du lịch năm tỉnh, thành phố Quảng Nam-Đà Nẵng-Thừa Thiên-Huế-Quảng Trị-Quảng Bình năm 2023, diễn ra tại thành phố Hội An.
Sau một thời gian dài đóng băng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động du lịch tại các tỉnh trong khu vực miền Trung đã sôi động trở lại với hàng loạt chính sách kích cầu du lịch cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn được giới thiệu.
Năm 2023, năm địa phương đã đẩy mạnh liên kết và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là việc liên kết phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch. Nhóm liên kết đã đồng hành xúc tiến tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM - Hà Nội 2023, Hội chợ Du lịch Quốc tế - ITE HCMC 2023, tổ chức chương trình giới thiệu tại Malaysia và tham gia hội chợ ITB tại Singapore...
Cũng trong năm 2023, năm địa phương đã đón nhiều đoàn famtrip, presstrip từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines... đến khảo sát điểm đến, sân golf, sản phẩm du lịch, gặp gỡ kết nối doanh nghiệp du lịch địa phương để tiếp tục phục hồi thị trường khách quốc tế.
Tuy nhiên, công tác phối hợp, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phươngvẫn còn nhiều “điểm nghẽn.”
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, quan điểm “đi cùng nhau” trong phát triển ngành Du lịch giữa địa phương với địa phương, giữa địa phương với doanh nghiệp và người dân sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch cạnh tranh, bổ sung tính đặc sắc của sản phẩm, làm nổi bật tính khác biệt, hỗ trợ cho hoạt động tiếp thị, quảng bá điểm đến cũng như định vị thương hiệu du lịch của địa phương.
Những thương hiệu du lịch của địa phương đã được nhận diện. Bức tranh du lịch đầy màu sắc đã được liên kết, sắp đặt trong một không gian giàu các giá trị di sản, văn hóa để tạo nên “Miền di sản diệu kỳ” đầy quyến rũ - là một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình của du khách trong và ngoài nước.
Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, sự hợp tác, gắn kết đã được thiết lập, củng cố và phát triển.
Năm địa phương đã thống nhất cùng nhau hỗ trợ, tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa du lịch mang tầm vóc khu vực. Các địa phương đã hỗ trợ lẫn nhau trong xúc tiến, quảng bá, đảm bảo tính hiệu quả về kinh phí nhưng vẫn đảm bảo giới thiệu được không gian điểm đến chung của khu vực và sản phẩm mang tính liên vùng, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.
Các địa phương cùng thống nhất chung một nhận thức rằng liên kết, hợp tác phát triển du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau."
Các ý kiến tại Hội nghị phân tích, đánh giá nhiều hạn chế, bất cập trong liên kết phát triển du lịch. Việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến.
Trong khi đó, những vấn đề như xây dựng sản phẩm để thông qua đó mở rộng không gian điểm đến, khai thác đặc trưng văn hóa độc đáo, các giá trị ẩm thực nổi bật của từng địa phương trong “Miền di sản diệu kỳ”; hoạt động phát triển nguồn nhân lực, góp ý xây dựng chính sách phát triển của ngành vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Việc xác định thị trường trọng điểm để tập trung cho công tác quảng bá, xúc tiến vẫn chưa được thống nhất cao do có sự khác biệt về lợi thế, sản phẩm, cơ chế về tổ chức hoạt động xúc tiến giữa mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí xúc tiến giữa các địa phương không đồng đều nên việc xúc tiến ở nước ngoài còn hạn chế, không tổ chức được chương trình khảo sát sản phẩm liên kết năm địa phương.
Các nội dung hợp tác trong biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa nhóm liên kết với thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, vùng Tây Nguyên...chưa triển khai được.
Trong năm 2024, các địa phương sẽ tiếp tục đồng hành xúc tiến, quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Một số địa phương sẽ tham gia chương trình giới thiệu du lịch tại Australia, Đài Loan (Trung Quốc), mời các bloggers, kols, nhân vật truyền cảm hứng từ nhiều thị trường như châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc trải nghiệm, quảng bá sản phẩm du lịch của vùng...