Con đường đau khổ
Lương Định Của là một trong những con đường chính mà mỗi ngày chị Kim Hồng (ở quận 2, TP.HCM) phải di chuyển bằng xe máy để đưa con đến trường và rẽ sang nơi làm việc. Không biết tự bao giờ, đoạn đường chỉ vài trăm mét từ nút giao với đường Mai Chí Thọ đến đường Nguyễn Hoàng (thuộc phường An Phú, quận 2, TP.HCM) trở thành nỗi ám ảnh với người mẹ này mỗi buổi sớm chiều.
Qua đường dây nóng của Ngày Nay, chị Kim Hồng tỏ ra vô cùng bức xúc khi nói về tình trạng thi công bát nháo khiến đường Lương Định Của xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người đi đường, đặc biệt trong những giờ cao điểm. “Bản thân mình ngày nào cũng đi qua Lương Định Của và cảm nhận rất rõ tình trạng xuống cấp trầm trọng của con đường này. Lúc người ta mới thi công thì không đến nỗi nào, giờ đây bất kể có mưa hay không đường vẫn ngập nước, che hết ổ gà ổ voi khiến người tham gia giao thông không biết đâu mà lần. Lúc nào mình cũng cảm thấy nguy hiểm rình rập mỗi khi điều khiển xe máy qua đây”, chị Hồng lo ngại.
Đơn vị thi công tạm chia đường thành hai chiều, ngăn cách nhau bởi một hàng rào lưới B40. Ảnh: Trần Anh Ngọc |
Một ngày trung tuần tháng 10/2020, phóng viên Ngày Nay trực tiếp có mặt tại đoạn đường này để ghi nhận thực tế những phản ánh của người dân. Từ Xa lộ Hà Nội rẽ vào đường Nguyễn Hoàng, đến giao lộ đường Lương Định Của là điểm bắt đầu của “con đường đau khổ”. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt phóng viên là những dòng xe ùn ứ, di chuyển chậm trên mặt đường bong tróc, đá nổi lổm chổm, tạo thành ổ gà, ổ voi.
Đoạn đường đang xuống cấp nghiêm trọng dài khoảng 650m được đơn vị thi công tạm chia thành hai chiều đường, ngăn cách nhau bởi một hàng rào lưới B40 thay vì một dải phân cách cứng như lẽ thường. Phần đường bên phải dành cho các phương tiện lưu thông theo hướng về Mai Chí Thọ được nâng cao khoảng một mét, đổ nhựa rộng khoảng bốn mét. Trong khi đó, phần đường còn lại dành cho các xe hướng về đường Trần Não chính là “con đường đau khổ” mà người dân phản ánh.
Nơi đây hiện giống hệt những tuyến đường dân sinh ở vùng biên giới bị xe ben, xe tải cày nát chỉ còn trơ đất đá và những cái “bẫy” chết người. Suốt chiều dài công trình không xuất hiện bất kỳ phương tiện, máy móc hay bóng dáng một công nhân nào đang làm việc. Dòng phương tiện từ đường Mai Chí Thọ muốn về đường Trần Não buộc phải vượt chặng đường đầy gian nan qua Lương Định Của. Cứ vài mét lại xuất hiện một ổ voi, bên cạnh là ổ gà, kế đến là “hồ điều tiết” quái dị giữa đường. Xe cộ đi giữa thành phố lớn nhất cả nước cứ nhấp nhô như xe ngựa chạy ở đường làng. Bộ phận giảm xóc của ô tô, xe máy lúc nào cũng trong trạng thái hoạt động hết công suất. Người cầm lái thì mặt nặng mày nhẹ cau có, miệng lẩm nhẩm còn mắt tập trung cao độ không dám ngó nghiêng dù chỉ là trong khoảnh khắc.
Các bác tài ô tô di chuyển với vận tốc 5km/h để “bò” qua đoạn đường hiểm trở. Ảnh: Trần Anh Ngọc |
Đoạn đường thi công dang dở nên các phương tiện lưu thông qua đây cũng trở nên hỗn loạn, không theo bất kỳ trật tự nào. Nhiều người đi xe máy cảm nhận thấy nguy hiểm ẩn dưới đoạn đường ngập nước nên vội đánh lái từ “con đường đau khổ” sang phần đường vừa được trải nhựa dành cho dòng xe lưu thông hướng ngược lại. Như hiểu được khó khăn, dòng người trai gái đi đúng chiều cũng nhường một phần đường hỗ trợ. Riêng với ô tô, các bác tài phải cắn răng “ném đá dò đường” di chuyển với vận tốc 5km/h để “bò” qua đoạn đường hiểm trở, khổ nhất là những chiếc xe đắt tiền như BMW, Audi… có gầm thấp chạy qua đây.
Nhiều năm qua, lần lượt các cửa hàng kinh doanh phải dời đi nơi khác hoặc lùi sâu về sau để nhường đất cho dự án mở rộng, nâng cấp đường Lương Định Của. Trong khi đó, một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ không đủ điều kiện nâng cao nền nhà cố gắng bám trụ hai bên đường bất kể nước tràn vào nhà mỗi khi dòng ô tô chạy qua.
Người đi xe máy luôn phải tập trung cao độ, không dám ngó nghiêng khi di chuyển qua đoạn đường này. Ảnh: Trần Anh Ngọc |
Tai nạn như cơm bữa
Từ lâu, người ta quen gọi ông Lê Chí Chơn (SN 1962) là chú Mười. Chú Mười bán bánh mì ở đường Lương Định Của đã mấy chục năm qua, đã chứng kiến không biết bao lần thay đổi trên con đường huyết mạch này. Chú Mười cho biết, tình trạng đường hư hỏng, ngập nước xảy ra đã từ rất lâu rồi. Lúc trước hai bên đường cao bằng nhau nên nước thoát được xuống cống. Giờ đây, đơn vị thi công nâng một bên đường có cống cao lên nên nước không chảy qua được và đọng lại ở phần đường còn lại.
Hướng ánh mắt về vũng nước trước mặt, chú Mười lắc đầu ngao ngán: “Mấy bữa trước người ta đi xe qua bị sụp lỗ té quá chừng hết. Xe hơi chạy qua còn bị bể bình xăng nữa, kẹt xe quá chừng. Mới đây, chú có thấy người ta cho xe tới đổ sỏi đá gì đó mà cũng không hiệu quả, gặp mưa thì cũng tiêu luôn. Ở đây ai cũng muốn chính quyền sửa chữa cho xong để dân được nhờ nhưng làm mãi có được đâu. Vừa rồi, chính quyền còn mời dân họp về việc thành lập thành phố Thủ Đức nhưng với đường như thế này thì làm thành phố sao mà được”.
Mặt đường Lương Định Của hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Trần Anh Ngọc |
Cũng tương tự như chú Mười, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1973, chủ một cơ sở kinh doanh đá hoa cương trên đường Lương Định Của) khẳng định tai nạn xảy ra như cơm bữa, có những vụ rất thương tâm khi người bị nạn gãy tay, gãy chân và cả răng… Anh Hùng kể rằng, vào buổi sáng một ngày cuối năm học vừa rồi, một em học sinh trên đường đi thi thì bị té ngã gãy cả tay, ướt hết quần áo, cặp xách phải quay về. Dòng xe kẹt cứng sau đó khiến nhiều em khác cũng bị trễ thi.
“Một ngày ở đây tôi chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn. Như vừa rồi mới xảy ra hai vụ đây này, may mắn người bị ngã không trầy xước gì cả nhưng người và điện thoại bị ướt. Đây là tình hình chung, người dân cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng rồi, đơn từ cũng khắp nơi rồi nhưng đâu cũng vào đấy. Mưa xuống, một bên xuồng máy đi một bên xe đi thì làm sao mà chịu nổi được. Mong các cấp chính quyền vào cuộc chứ tình hình này không ổn chút nào cả”, anh Hùng kiến nghị.
Một đoạn đường chỉ vỏn vẹn 650m thi công mãi vẫn chưa xong và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng đã trở thành nỗi ám ảnh của không biết bao nhiêu người dân quận 2. Điều đáng nói, “con đường đau khổ” chỉ cách trụ sở chính quyền địa phương là UBND phường An Phú (quận 2) chừng 30m nhưng lãnh đạo nơi đây dường như chưa có động thái cứng rắn nào để cùng với chủ đầu tư hoàn thành dự án, phục vụ việc đi lại của người dân được thuận tiện.
Vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn khi người đi xe máy cố gắng thoát khỏi đoạn đường ngập nước. Ảnh: Trần Anh Ngọc |
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của với chiều dài 2,3 km (từ đoạn Trần Não đến Nguyễn Thị Định) từ 8 m lên 30 m với chi phí gần 700 tỷ đồng đã được thực hiện từ năm 2015. Ban đầu, dự án được giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, thuộc Sở GTVT TP.HCM làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, từ tháng 5/2019, dự án được chuyển giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, trực thuộc UBND TP.HCM. Kể từ đó đến nay, dự án vẫn chưa có dấu hiệu gì khả quan hơn.