Theo Tân Hoa xã, báo cáo trên nhằm hoạch định các chính sách và quy định luật pháp "có sự kiểm chứng trong tương lai" phục vụ các nhu cầu hiện tại và những nguyện vọng lâu dài hơn của công dân EU. Trong nội dung kế hoạch phục hồi đầy tham vọng, EC đề cập tới năng lực tự cường của EU trong 4 lĩnh vực: xã hội-kinh tế, địa chính trị, môi trường xanh và số hóa.
Ở từng lĩnh vực, báo cáo đều xác định các khả năng, những hạn chế và cơ hội gắn với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong trung và dài hạn.
Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic nhấn mạnh đại dịch COVID-19 một mặt giúp EU nhận ra các điểm yếu của mình, một mặt còn mang tới các cơ hội không thể bỏ lỡ.
Cuộc khủng hoảng dịch bệnh này cũng tái khẳng định sự cần thiết phải hoạch định các chính sách một cách có căn cứ, có sự kiểm chứng trong tương lai và tập trung vào khả năng thích ứng và phục hồi.
Phó Chủ tịch Sefcovic nhấn mạnh: "Chúng ta không thể kỳ vọng tương lai ít biến động hơn. Các xu hướng và các cú sốc mới sẽ tiếp tục tác động tới cuộc sống của chúng ta. Do đó, Báo cáo tầm nhìn chiến lược lần đầu tiên này đặt ra viễn cảnh và cách thức để chúng ta có thể giúp EU tự cường hơn thông qua việc nâng cao quyền tự chủ chiến lược mở rộng và tạo dựng một tương lai tối ưu số hóa, công bằng hơn cũng như ít phát thải khí gây biến đổi hậu hơn."
Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng vào những thời điểm mang tính thử thách, các nhà lãnh đạo cần phải "nhìn xa trông rộng".
Theo bà, báo cáo này cho thấy vai trò quan trọng của năng lực tự cường trong nỗ lực phục hồi mạnh mẽ và lâu bền. Ngoài ra, EU đang hướng tới các bước chuyển dịch cần thiết theo cách bền vững, công bằng và dân chủ.