Airbus chấp nhận trả lãi vay cao nhằm chấm dứt căng thẳng EU-Mỹ

Airbus kỳ vọng nâng khoản tiền lãi suất phải trả cho các khoản vay chính phủ sẽ chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương về vấn đề trợ cấp hàng tỷ USD cho các hãng máy bay.
Máy bay A350-1000 của hãng Airbus bay trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris ở sân bay Le Bourget, Pháp, ngày 17/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Máy bay A350-1000 của hãng Airbus bay trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris ở sân bay Le Bourget, Pháp, ngày 17/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 24/7, Tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu Airbus thông báo đã đồng ý nâng khoản tiền lãi suất mà hãng này phải trả cho các khoản vay được Chính phủ Pháp và Tây Ban Nha cung cấp để phát triển máy bay A350 lên mức mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đánh giá là hợp lý.

Bước đi này được Airbus kỳ vọng sẽ chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương về vấn đề trợ cấp hàng tỷ USD cho các hãng máy bay.

Trong thông báo của mình, Airbus cho biết đã đạt được thỏa thuận trên với Chính phủ Pháp và Tây Ban Nha, nhấn mạnh quyết định này cho thấy hãng "hoàn toàn tuân thủ tất cả các quy tắc của WTO."

Tuyên bố nêu rõ: "Sau 16 năm đưa vấn đề trên ra kiện tụng tại WTO, đây là bước đi cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài cũng như loại bỏ mọi sự biện minh cho các khoản thuế mà Mỹ áp đặt."

Airbus cũng cho biết sự ảnh hưởng của những biện pháp thuế quan từ phía Mỹ, cùng với sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, là lý do khiến hãng nỗ lực giải quyết cuộc tranh chấp hiện nay.

Ngay sau thông báo của Airbus, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Mỹ ngừng áp thuế đối với các máy bay của Airbus cũng như các sản phẩm khác của châu Âu vì vấn đề Airbus.

Ủy viên Thương mại của EU Phil Hogan nêu rõ: "Các khoản thuế phi lý nhằm vào các sản phẩm châu Âu là không thể chấp nhận được và, từ sự tuân thủ (quy định của WTO) trong trường hợp Airbus, chúng tôi yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các khoản thuế vô lý ngay lập tức."

Trong nhiều năm qua, giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại mâu thuẫn về vấn đề trợ cấp chính phủ cho Airbus và Boeing.

Cuộc chiến pháp lý về Airbus và Boeing tại WTO bắt đầu từ năm 2004, khi Washington cáo buộc Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha cung cấp các khoản trợ cấp bất hợp pháp và hỗ trợ dự án sản xuất một loạt máy bay của Airbus, vi phạm quy định của WTO.

Mỹ và Boeing lập luận rằng nếu không có sự hỗ trợ tài chính đáng kể mà các nước châu Âu đã dành cho Airbus dưới dạng các khoản vay ưu đãi và dưới lãi suất thị trường, Airbus sẽ không bao giờ có thể trở thành đối thủ của Boeing.

Một năm sau đó, EU cáo buộc Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã nhận 19,1 tỷ USD tiền tài trợ từ Chính phủ Mỹ trong giai đoạn 1989-2006.

Hai vụ kiện đã sa vào vũng lầy, khi mỗi bên được minh oan một phần sau hàng loạt cuộc kháng cáo.

Tới tháng 10 năm ngoái, sau khi được WTO "bật đèn xanh," chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế trừng phạt lên tới 100% đối với các sản phẩm nhập từ châu Âu trị giá lên tới 7,5 tỷ USD, mức phạt cao nhất chưa từng có.

Washington sau đó áp 25% thuế đối với một lượng hàng hóa EU gồm rượu whisky, phô mai và ôliu. Hồi tháng 3, Mỹ cũng quyết định tăng thuế từ 10% lên 15% đối với các máy bay sản xuất của châu Âu, trong đó có máy bay của Airbus.

Tới tháng 6 vừa qua, Mỹ tiếp tục đe dọa áp thuế bổ sung với lượng hàng hóa trị giá 3,1 tỷ USD nhập khẩu từ EU, trong đó có các sản phẩm như bánh mỳ, bia, rượu gin và rượu vodka, vì các khoản trợ cấp cho hãng Airbus.

EC đã bày tỏ quan ngại các biện pháp mà Mỹ đề xuất có thể gây ra những tổn thất rất lớn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hoạt động sau này của các công ty cùng những thiệt hại kinh tế không đáng có cho cả hai bờ Đại Tây Dương.

Theo Vietnamplus
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.