Trong tháng 1 và 2, các trạm đo đạc chất lượng không khí trên khắp châu Âu phát hiện mức phóng xạ Iodine-131 tăng cao đột biến. Điều này đã làm dấy lên hoài nghi Moscow đang thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở quần đảo Novaya Zemlya, gần Bắc Cực.
Cơ quan Bảo vệ phóng xạ Na Uy (NRPA) khẳng định kết quả đo lường ở nhiều khu vực khắp châu Âu cho thấy nhiều khả năng nguồn phát xạ phóng xạ tăng đột biến xuất phát từ khu vực Đông Âu. Tuy nhiên, kết quả chính thức vẫn chưa được công bố.
Các phương tiện truyền thông Anh như The Sun, Independent và loạt tờ báo khác đã ngay lập tức tung ra giả thiết rằng, quân đội của Tổng thống Vladimir Putin đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân bí mật ở Bắc Cực, khiến nồng độ phóng xạ tăng cao và tràn sang châu Âu.
Trong khi đó, vào hôm 22/2, không quân Mỹ tuyên bố đã điều động một máy bay WC-135 Constant Phoenix, còn được gọi là máy bay “đánh hơi” hạt nhân hay "chim thời tiết", đến sân bay Mildenhall của không quân Anh ở hạt Suffolk (Anh) để thực hiện “một nhiệm vụ bí mật”.
Việc Mỹ triển khai loại máy bay WC-135 Constant Phoenix có khả năng đo mức phóng xạ và tìm kiếm nguồn phát xạ đến châu Âu khiến các nước trong khu vực này càng có cơ sở để lo ngại về khả năng Nga đang bí mật thử nghiệm hạt nhân ở khu vực Bắc Cực.
Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ phóng xạ Na Uy khẳng định không loại trừ khả năng, lượng phóng xạ i-131 này xuất phát từ một tai nạn trong sản xuất chất thuốc phóng xạ, hay sự cố tại một lò phản ứng hạt nhân giống vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Pháp EDF mới đây.
Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) cũng đã loại trừ khả năng Nga đang thử nghiệm vũ khí hạt nhân, bởi nếu một vụ thử nghiệm hạt nhân diễn ra với trình độ của Nga (nhiệt hạch) thì nó sẽ thải ra nhiều đồng vị phóng xạ chứ không chỉ có I-131.
Ngoài ra, trong các thử nghiệm vũ khí hạt nhân không thể tránh sự phát sinh sóng địa chấn (tương tự động đất) và phát thải các chất phóng xạ khác nhau vào khí quyển. Bên cạnh đó, nồng độ I-131 trong không khí châu Âu dù có cao nhưng vẫn là cực thấp so với mức độ một vụ nổ bom nhiệt hạch.
Hơn thế nữa, thực tế có phóng xạ trong không khí không phải là điều quá bất thường. Hiện tượng có thể bắt gặp trong thời tiết xoáy nghịch không thay đổi, chẳng hạn như ở châu Âu năm 2011. Khi đó, nguồn phóng xạ được cho là bị rò rỉ từ Viện Đồng vị ở Budapest.
Theo An ninh thủ đô