Với sự phối hợp của Mỹ và các đồng minh thuộc Nhóm Các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) khác, các biện pháp mới tạo thành đợt trừng phạt thứ tư nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. Bà Von der Leyen tuyên bố gói biện pháp trừng phạt này được áp dụng kể từ ngày 12/3. Cùng với các đồng minh phương Tây khác, trong đó có Mỹ, EU sẽ bãi bỏ quy chế thương mại "tối huệ quốc" đối với Nga. Điều này sẽ tạo điều kiện cho EU cấm hoặc áp đặt thuế quan trừng phạt đối với các sản phẩm của Nga. Tối huệ quốc là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Quy chế này được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm đảm bảo một quốc gia sẽ dành cho tất cả các quốc gia đối tác chế độ ưu đãi thương mại ngang nhau.
Trước mắt, EU sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm sắt, thép. EU cũng sẽ đặc biệt cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga - được coi là một đòn giáng mạnh vào giới tinh hoa Nga. Cuối cùng, khối sẽ cấm các khoản đầu tư mới của châu Âu vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Chủ tịch Von der Leyen cho biết EU cũng đang xúc tiến việc đình chỉ các tư cách thành viên của Nga ở các tổ chức đa phương lớn, như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Cũng trong phát biểu của mình, Chủ tịch Von der Leyen cho biết EC đang chuẩn bị các phương án hạn chế tác động của tăng giá khí đốt đối với giá điện ở châu Âu đồng thời giảm dần sự phụ thuộc nhiên liệu vào Nga. Cụ thể, vào cuối tháng này, EC sẽ đưa ra các phương án để hạn chế ảnh hưởng của việc tăng giá khí đốt đến giá điện. Ngoài ra, vào tháng 5 tới, EC sẽ công bố kế hoạch để loại bỏ dần sự phụ thuộc của EU vào khí đốt, dầu và than của Nga vào năm 2027.
Theo Văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của EU từ Nga đạt 145 tỷ euro (158,7 tỷ USD) trong năm 2019, trong đó dầu và khí đốt chiếm 101 tỷ euro.