EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU

(Ngày Nay) - Hai phần ba (tương đương khoảng 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được tự do hóa ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Những dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ theo lộ trình mười năm tới.

Lúc 18h ngày 12/2 theo giờ Việt Nam, trong cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định ở Strasbourg, với tỷ lệ 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Ngay sau đó, Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) cũng được phê chuẩn với 407 ủng hộ, 188 chống, 53 trắng.

EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU ảnh 1

Kết quả bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định EVFTA của Nghị viện châu Âu.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với EVFTA, Việt Nam đã chứng minh chủ trương của Đảng về chiến lược đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ là hoàn toàn đúng đắn và mang lại những lợi ích vô cùng to lớn nhất là để đảm bảo lợi ích quốc gia cũng như đảm bảo mối quan hệ hợp tác bền vững mang tính chiến lược để đóng góp chung cho hòa bình ổn định chứ không đơn thuần về kinh tế, thương mại. Khả năng đưa Hiệp định vào thực thi sẽ rất nhanh. Kỳ họp tới tháng 4-5 tới đây, Chủ tịch nước sẽ đưa ra trình Quốc hội và Hiệp định này được Việt Nam thông qua từ tháng 5 thì tháng 7 sẽ được đưa vào thực thi.

Dù còn rất sớm để đánh giá nhưng theo như các tính toán của các nhà nghiên cứu quốc tế, hiệp định EVFTA ngay lập tức sẽ mang lại lợi ích rất to lớn cho kinh tế Việt Nam cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cho doanh nghiệp và cho các sản phẩm của Việt Nam.

Điều đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam đang chứng minh uy tín, vị thế của mình thông qua việc trở thành Thành viên không thường trực của Đại hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đồng thời là Chủ tịch ASEAN thì việc bỏ phiếu thông qua hai hiệp định EVFTA và EVIPA giúp Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nữa vị thế của mình trên trường quốc tế.

Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tư do với EU.

Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam - từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu.

EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời tại buổi họp báo sau sự kiện Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD. Do vậy, Hiệp định sẽ giúp chúng ta có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Theo quy định của EU, Hiệp định EVFTA sẽ cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục trong nước hoặc vào một thời điểm khác do hai bên thống nhất.

Về phía Việt Nam, Chính phủ cũng đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để hai Hiệp định này sớm được Quốc hội phê chuẩn. Song song với việc hoàn tất các thủ tục phê chuẩn, công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành.

Trả lời tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương diễn ra vào chiều tối nay (12/2), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế GSP 0%.

Trong bối cảnh hiện nay, các mặt hàng Việt Nam gặp khó khăn về thị trường khi xảy ra dịch virus corona. Đặc biệt, các mặt hàng như nông sản, da giày, dệt may… đang gặp khó khăn, EVFTA càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, cùng với những cơ hội về thương mại, EVFTA cũng được người đứng đầu Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội về đầu tư, hợp tác mới cho doanh nghiệp hai bên. Song song với đó là những thách thức lớn đòi hỏi Việt Nam phải vượt qua.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.