EVN được tăng giá điện khi chi phí đầu vào tăng trên 3%
Ảnh minh họa |
Theo Quyết định 24 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 30/6 thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, khi các thông số đầu vào theo quy định kể trên biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm.
Còn khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Cũng theo quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân.
Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
Đối với trường hợp giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN, Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, rà soát và gửi ý kiến bằng văn bản đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Tài chính sau khi kiểm tra, rà soát, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, trước ngày 25 tháng đầu tiên Quý II, Quý III và Quý IV, trên cơ sở tổng hợp thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện của quý trước liền kề, EVN xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm, sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm, tính toán lại giá bán điện bình quân theo công thức quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quyết định này (các thông số khác giữ nguyên không thay đổi).
Hàng năm, sau khi có báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính của EVN và các đơn vị thành viên đã được kiểm toán độc lập, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm trước liền kề.
Trong quá trình kiểm tra có thể mời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội liên quan, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan tham gia. Bộ Công Thương được mời tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính của EVN và các đơn vị thành viên;
Các nội dung kiểm tra, giám sát và công bố công khai liên quan đến chi phí giá điện gồm: Chi phí thực tế các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, quản lý chung, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí khác; Kết quả kinh doanh lỗ, lãi của EVN; Các chi phí được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN ; Các chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN. Các chi phí khác bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được tính vào giá điện các năm trước, nay được đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện phải được kiểm toán do kiểm toán độc lập thực hiện và lập thành báo cáo kiểm toán riêng để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát.