Ngay sau khi kết quả "đình chiến" giữa Facebook và chính phủ Australia được công bố, người trong cuộc và các nhà phân tích đã đưa ra những quan điểm trái chiều.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, vụ việc tại Australia là một trận chiến đại diện cho thế giới. Tôi không nghi ngờ rằng rất nhiều quốc gia khác đang xem xét những gì đang xảy ra tại đây", Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg chỉ ra. “Facebook và Google đã không che giấu sự thật rằng họ biết thế giới đang đổ dồn ánh mắt vào Australia, đó là lý do tại sao họ tìm cách khiến dự luật khả thi".
Trong khi đó, ông Campell Brown - Phó Chủ tịch Hợp tác tin tức toàn cầu của Facebook, cho rằng công ty này đã đạt được thỏa thuận cho phép hỗ trợ các hãng tin tức, bao gồm các nhà xuất bản địa phương quy mô nhỏ.
“Chính phủ Australia đã làm rõ rằng chúng tôi sẽ duy trì khả năng quyết định xem tin tức nào có thể xuất hiện trên Facebook để chúng tôi không rơi vào thế buộc phải đàm phán", ông Brown khẳng định. “Chúng tôi luôn có ý định hỗ trợ báo chí ở Australia và khắp nơi trên thế giới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào tin tức trên toàn cầu và chống lại nỗ lực của các tập đoàn truyền thông nhằm thúc đẩy các khuôn khổ quy định không tính đến việc trao đổi giá trị thực giữa các nhà xuất bản và nền tảng như Facebook".
Trong khi đó, luật sư Thomes Vinje từ hãng luật Clifford Chance cho rằng cách tiếp cận của chính phủ Australia có thể lan rộng ra toàn cầu, điều này có nghĩa là nhiều chính phủ sẽ áp đặt các nghĩa vụ tài chính lên Google và Facebook để bù đắp cho các doanh nghiệp địa phương.
“Google và Facebook không đầu tư gì vào nội dung mà chỉ đơn giản là trưng dụng khoản đầu tư của những người khác, bao gồm cả các nhà xuất bản, vào nội dung và các tài sản trí tuệ khác.
Điều này sẽ thay đổi, với việc Australia đã đi đầu và thúc đẩy việc thế giới áp dụng phương pháp tiếp cận của mình. Thành công của Australia trong việc hạ gục Google và Facebook sẽ báo trước một chính sách cứng rắn hơn ở nhiều quốc gia khác", ông Vinje nhận định.
Còn theo Tama Leaver, chuyên gia nghiên cứu internet tại Đại học Curtin, đây không phải là một kết quả hòa cho cả hai bên.
“Mặc dù Facebook đã cố gắng thực hiện một số nhượng bộ và dự luật có lẽ nhẹ nhàng hơn, tôi vẫn nghĩ mạng xã hội này đã là kẻ thua cuộc, đơn giản vì cách họ đã cố gắng đàm phán trong tuần trước. Rất nhiều người Australia đã mất niềm tin vào Facebook", Tama Leaver chỉ ra.
Cũng theo vị chuyên gia, bản thân dự luật của Australia vẫn chưa được kiểm chứng. Nó giống như một khẩu súng nằm trong tay của các quan chức mà chưa được sử dụng hoặc thử nghiệm.