Tham gia đóng góp quỹ có 24 nước và đây được xem là một trong những kết quả có sớm của Hội nghị thượng đỉnh G20. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã công bố quỹ này trong cuộc họp báo do Tổng thống Indonesia - nước chủ nhà các sự kiện G20 tới đây - Joko Widodo tổ chức.
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Widodo nêu rõ G20 đã nhất trí xây dựng quỹ trên để ứng phó và phòng chống các dịch bệnh trong tương lai. Tài trợ cho quỹ là các nước thành viên G20 cùng một số nước khác cùng các tổ chức nhân đạo. Tuy nhiên, ông khẳng định khoản quỹ 1,4 tỷ USD này là không đủ, mà con số cần để giải quyết dịch bệnh trong tương lai có thể lên tới 31 tỷ USD.
Nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của quỹ mới thành lập, đó là đảm bảo khả năng chống đỡ của thế giới trước một đại dịch vì không chỉ cướp đi nhiều sinh mạng, đại dịch còn có thể gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu.
Đóng góp 450 triệu USD vào quỹ trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nêu rõ quỹ phòng chống đại dịch là minh chứng cho những gì G20 có thể làm để đối phó với các vấn đề toàn cầu. Bà bày tỏ hy vọng những điều G20 thực hiện trong năm này sẽ giúp đưa ra tầm nhìn về một cấu trúc y tế toàn cầu lành mạnh hơn và có khả năng ứng phó tốt hơn.
Chủ tịch WB Malpass nhấn mạnh quỹ này là một công cụ quan trọng sẽ hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chuẩn bị tốt hơn khi xảy ra các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Ông kêu gọi nhiều quốc gia cam kết đóng góp cho quỹ vì một thế giới an toàn hơn. Các nhà tài trợ chính cho quỹ hiện gồm Mỹ, Anh, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Canada, Australia và Nhật Bản.