Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp trong ngày 10/5 khi tổng số ca nhiễm ở Nam Phi đã trên 10.000 người, trong khi số ca nhiễm ở Ai Cập, Maroc và Algeria cũng tăng mạnh.
Đáng chú ý, Ghana phát hiện một trường hợp siêu lây nhiễm trong cộng đồng.
Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo thông báo về một trường hợp siêu lây nhiễm vừa phát hiện là một công nhân nhà máy chế biến cá ở thành phố Tema. Theo đó, bệnh nhân này đã lây nhiễm cho 533 người khác cũng làm việc tại nhà máy trên, tương đương 11,3% số ca nhiễm ở Ghana.
Như vậy, tính đến tối 10/5, Ghana ghi nhận 4.700 ca nhiễm, trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao nhất khu vực Tây Phi. Trong khi đó, số ca tử vong đang là 22 người.
Trước tình hình trên, Tổng thống Akufo-Addo đã quyết định gia hạn lệnh cấm tụ tập nơi đông người đến cuối tháng này, đồng thời tiếp tục đóng cửa các trường học
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Bộ Y tế Nam Phi thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 595 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.015 ca, trong đó có 194 ca tử vong.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết đến nay nước này đã thực hiện 341.336 xét nghiệm.
Riêng trong 24 giờ qua, lực lượng y tế đã tiến hành xét nghiệm cho 17.257 người, cao nhất kể từ khi Nam Phi công bố ca nhiễm đầu tiên hôm 5/3. Số ca hồi phục đang là 4.173 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Ai Cập thông báo phát hiện thêm 436 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở đất nước Bắc Phi này lên 9.400 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 11 ca trong ngày, nâng tổng số ca tử vong lên 525 ca.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Cố vấn các vấn đề y tế của Tổng thống Ai Cập, ông Awad Tag El-Din cho biết thủ đô Cairo hiện là nơi ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trên toàn quốc, theo sau là thành phố Alexandria.
Ông El-Din đồng thời khẳng định Ai Cập có đủ khả năng để kiểm soát tỷ lệ lây nhiễm trong tương lai gần. Theo quan chức này, số ca nhiễm sẽ duy trì ở mức cao trong một vài ngày, sau đó sẽ bắt đầu giảm dần khi qua giai đoạn đỉnh dịch.
Ai Cập đang đưa vào hoạt động 17/34 bệnh viện được dành để cách ly và điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19.
Kể từ giữa tháng 3 vừa qua, quốc gia này đã áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có việc đóng cửa các trường phổ thông và đại học, các thánh đường Hồi giáo và nhà thờ thuộc Giáo hội Cơ đốc Ai Cập, đồng thời tạm ngừng các chuyến bay quốc tế.
Ngoài ra, quốc gia Bắc Phi này cũng thực hiện lệnh giới nghiêm vào ban đêm, bắt đầu từ 21 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Trong khi đó, tính đến chiều 10/5 (theo giờ địa phương), Algeria đã ghi nhận thêm 165 ca nhiễm và 8 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 5.723 người và số ca tử vong lên 502 người.
Phóng viên TTXVN tại Algiers dẫn thông báo của Ủy ban Giám sát khoa học về sự phát triển của đại dịch COVID-19 cho biết hiện dịch bệnh COVID-19 đã lây lan ra tất cả 48 tỉnh, thành phố tại quốc gia này.
Algeria đang đặt trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn đại dịch, theo đó người dân được khuyến cáo chỉ đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.
Tại Maroc, cũng trong 24 giờ qua phát hiện thêm 153 ca nhiễm và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 6.063 ca và số ca tử vong lên 188 ca./.