Sau nhiều phiên suy yếu liên tiếp, giá vàng thế giới đã tìm lại được động lực tăng trưởng trong phiên 20/1 (giờ Mỹ). Trong đó, cả vàng vật chất và vàng tương lai đều tăng hơn 30 USD so với phiên liền trước, hiện phổ biến giao dịch trên ngưỡng 1.870 USD/ounce.
Cụ thể, giá vàng trên sàn New York đêm qua (giờ Việt Nam) tăng vọt từ mốc 1.835 USD vào đầu phiên lên đóng cửa ở mức 1.872 USD/ounce, tương đương mức tăng 37 USD từ đáy trong phiên. Nếu so với cuối ngày 19/1 (giờ Mỹ), giá vàng tại đây cũng tăng 32,3 USD/ounce, tương đương 1,8% giá trị.
Tương tự, giá giao ngay trên sàn Kitco đêm qua cũng ghi nhận mức tăng mạnh từ vùng dưới 1.840 USD lên 1.871,9 USD/ounce hiện tại, cao hơn 1,8% sau một ngày.
Trên sàn Comex, giá vàng tương lai giao tháng 2 đêm qua tăng gần 1,5%, hiện cố định ở mức 1.867,7 USD/ounce.
Các chuyên gia phân tích cho biết thị trường vàng đã chứng kiến một đợt tăng giá mạnh khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ. Ngoài ra, động thái này có thể là khởi đầu cho một đợt tăng giá mới.
"Không có nhiều thông báo mới về chính sách. Phần lớn đợt tăng giá này chỉ là các nhà đầu tư tin rằng chính quyền ông Biden sẽ có nhiều gói kích thích kinh tế hơn trong vòng 100 ngày đầu”, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của Oanda Edward Moya cho biết.
Cùng quan điểm, ông Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường của Blue Line Futures cho rằng rất nhiều nhà đầu tư lạc quan rằng ông Biden và ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ đưa ra nhiều biện pháp phù hợp hơn trong tương lai.
Đi kèm nhận định trên, vị chuyên gia cũng điều chỉnh danh mục đầu tư đối với vàng theo xu hướng gia tăng.
Ngoài tâm lý tích cực của nhà đầu tư khi ông Biden nhậm chức, chỉ số USD suy yếu xuống vùng tiêu cực và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm cũng là yếu tố thúc đẩy giá vàng tăng.
Một số nhà phân tích cho rằng đợt tăng giá này của vàng là khởi đầu của một đợt tăng giá mới có thể đưa kim quý trở lại mức 2.000 USD/ounce.
Theo ông Edward Moya, mức 1.890-1.900 USD/ounce sẽ là ngưỡng kháng cự trong tuần này. Trong đó, kim quý có khả năng vượt ngưỡng kháng cự 1.900 USD trong một vài phiên tới, và nếu điều này xảy ra, giá vàng có thể đạt mức 1.950 USD trong 2-3 tuần tiếp theo.
“Miễn là thị trường nhận được ít nhất 1.000 tỷ USD của gói kích thích, nó sẽ đủ để giữ cho đà tăng của vàng tiếp tục”, ông Moya nhấn mạnh.
Trước diễn biến tích cực của vàng thế giới, giá vàng miếng trong nước phiên sáng nay (21/1) cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, mức tăng thấp hơn so với thế giới khiến chênh lệch giá giữa 2 thị trường bị thu hẹp.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) sáng nay niêm yết giá vàng miếng khu vực TP.HCM ở mức 56,2 - 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150.000 đồng ở cả hai chiều so với cuối ngày hôm qua. Nếu so với cùng giờ sáng, giá vàng miếng tại đây cũng đã tăng 350.000 đồng/lượng. Đến đầu giờ chiều, giá vàng miếng tại đây đã điều chỉnh về mức 56,05 - 56,6 triệu/lượng (mua vào - bán ra).
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện niêm yết giá vàng miếng tại cả 4 khu vực TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hà Nội ở mức giá 56,25 triệu/lượng (mua) và 56,8 triệu/lượng (bán), tăng 400.000 đồng ở cả hai chiều so với cùng giờ sáng hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện chấp nhận mua vào vàng miếng với giá 56,1 triệu/lượng và bán ra ở mức 56,45 triệu/lượng, tăng 200.000 đồng giá mua nhưng giảm 100.000 đồng giá bán so với cuối ngày hôm qua.
Hiện DOJI vẫn là doanh nghiệp niêm yết giá bán vàng miếng thấp nhất thị trường.