Giấc mơ nơi giảng đường của cô học trò khiếm thị

[Ngày Nay] - Sau chuỗi ngày khó khăn đi khắp các trường đại học để nộp hồ sơ xét tuyển và nhận được nhiều lời từ chối, cô học trò khiếm thị Nguyễn Thu Loan vẫn không bỏ cuộc. Và mới đây, Loan đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi được Đại học RMIT trao học bổng Chắp cánh ước mơ.
Giấc mơ nơi giảng đường của cô học trò khiếm thị

Chỉ có thách thức, không có khó khăn

Căn bệnh mắt bẩm sinh và một tai nạn ngày bé đã vĩnh viễn cướp đi thị lực của Thu Loan nhưng cô gái Hà Nội nhỏ bé ấy vẫn vươn lên mạnh mẽ để có cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình và cộng đồng.

Có thể em không phải là sinh viên thông minh nhất, nhưng em tự tin rằng mình là sinh viên cần cù, bền bỉ và chủ động nhất vì em có ước mơ và mục tiêu rõ ràng. Em sẽ sử dụng kiến thức học được ở trường để nâng cao điều kiện sống và cơ hội giáo dục cho những bạn đồng cảnh ngộ.” Nguyễn Thu Loan

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng bà Chu Thị Thu Hà, Phó chủ tịch Hội Người mù Thành phố Hà Nội, vẫn ấn tượng với nguồn năng lượng mà Loan thể hiện trong học hành và cuộc sống. “Từ thời thơ ấu, Loan đã là một cô gái chủ động, thông minh và sáng tạo. Loan đến với lớp học kỹ năng hoà nhập sau các bạn đồng trang lứa những hai năm, nhưng Loan chẳng những đã đuổi kịp các bạn mà còn đạt điểm số cao trong lớp. Với đức tính cần cù và thông minh, Loan đã hoàn tất chương trình bốn năm chỉ trong vòng hai năm học,” bà Hà kể.

Từ năm 14 tuổi đến nay, Loan đã liên tục cộng tác với Hội Người mù Thành phố Hà Nội để chia sẻ về khát vọng, về những gì người khiếm thị đang trải qua. Loan còn làm trợ giảng tiếng Anh cho Trung ương Hội Người mù Việt Nam trong vòng một năm. Em tận dụng mọi cơ hội học tập có được để tích luỹ vốn kỹ năng về công nghệ thông tin, về truyền thông trực tuyến, về cách sử dụng và làm sách nói.

Loan bảo, những gì em trải qua suốt thời thơ ấu do khiếm khuyết của mình cho đến những ngày vác đơn khắp nơi tìm chỗ học đại học chỉ là thách thức chứ không phải khó khăn. Và những thách thức đó đã tạo động lực để em tham gia vào các hoạt động xã hội và quyết tâm tìm kiếm cơ hội học tập trong môi trường quốc tế.

“Em muốn rèn giũa những kỹ năng trong ngành truyền thông để có thể đem tiếng nói đến cho những người khuyết tật trong xã hội, để câu chuyện của họ được nhiều người biết đến hơn”, cô gái trẻ chia sẻ về ước mơ của mình.

Ước mơ đó cũng là động lực để Loan dành hẳn một năm chuẩn bị ứng tuyển cho suất học bổng thường niên của Đại học RMIT Việt Nam - Học bổng Chắp cánh ước mơ dành riêng cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn và không có cơ hội tiếp cận với chương trình học đại học. 

Giấc mơ nơi giảng đường của cô học trò khiếm thị ảnh 1

Dự án sách nói cho người khiếm thị

Cô gái trẻ xem mình là người may mắn hơn nhiều bạn khác vì luôn được gia đình ủng hộ, luôn có bạn bè kề bên hỗ trợ những ngày học hoà nhập ở Trường Trung học phổ thông Yên Hoà, được các cô chú lãnh đạo Hội người mù Thành phố Hà Nội tin tưởng và giới thiệu với Đại học RMIT để ứng tuyển học bổng. Chính vì vậy, dù ở đâu, Loan luôn tìm cách đền đáp cho cộng đồng theo cách riêng của mình. Trong đó, Loan đặc biệt ấp ủ về dự án làm sách nói.

Loan cho biết, ngày còn học phổ thông, em dựa vào bài giảng thu âm, sách nói và các nguồn tư liệu số rất nhiều để hỗ trợ cho việc học. “So với các bạn ở những tỉnh xa, em thấy mình vẫn rất may mắn khi có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu học,” Loan chia sẻ.

Từ kinh nghiệm học tập thực tế của bản thân, Loan luôn mong muốn hỗ trợ được cho các bạn học sinh khiếm thị khác có thể tiếp cận với các nguồn học liệu sách nói để học tập tốt hơn.

Ngay khi còn là học sinh trung học phổ thông, Loan đã cùng một nhóm bạn làm sách nói để chia sẻ với cộng động. Sau đó, dù dự án tạm ngưng, Loan tiếp tục hợp tác với một số chương trình quốc tế làm sách nói cho các bạn khiếm thị khác.

“Khi biết tin nhận được học bổng, em đã vô cùng hạnh phúc. Sau khi ổn định việc học tại RMIT, em sẽ khởi động lại dự án làm sách nói, vì em rất hiểu những gì các bạn khiếm thị khác cần”, Loan vui vẻ chia sẻ về dự định của mình.

Mới đây, cô gái trẻ cũng xuất bản tập truyện ngắn đầu tay của mình với tiêu đề “Giấc mơ nơi thiên đường” do Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam phát hành.

Tập truyện ngắn là những câu chuyện đầy màu sắc về các bạn trẻ không ngừng vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là những bạn dù khiếm khuyết phần một phần cơ thể, nhưng không ngừng nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống như Thu Loan.

Chia sẻ trong buổi nhận học bổng của Đại học RMIT, Loan nói: “Có thể em không phải là sinh viên thông minh nhất, nhưng em tự tin rằng mình là sinh viên cần cù, bền bỉ và chủ động nhất vì em có ước mơ và mục tiêu rõ ràng. Em sẽ sử dụng kiến thức học được ở trường để nâng cao điều kiện sống và cơ hội giáo dục cho những bạn đồng cảnh ngộ.”

Theo lãnh đạo Đại học RMIT, chính nghị lực sống mạnh mẽ và khát khao phát triển bản thân để từ đó giúp đỡ cộng đồng của Loan là yếu tố cốt lõi để trường quyết định trao học bổng cho em. 

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.