Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 và quý I/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi - cho biết nền sản xuất các sản phẩm như thịt, trứng trong nước đang có dấu hiệu dư thừa dẫn tới giá cả giảm mạnh trong thời gian qua.
Ông Chinh chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng dư thừa thịt. Một trong số đó là sự phát triển quá nhanh của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ông dẫn con số với sản lượng thức ăn chăn nuôi lên tới 5,02 triệu tấn (2016), tính trung bình cứ 3 kg thức ăn chăn nuôi sản xuất được 1 kg thịt thì tổng cung lên tới gần 1,7 triệu tấn thịt. Tổng nhu cầu trong nước hiện tại không đạt đến mức đó.
“Hiện tại giá thịt lợn đã lên đến khoảng 36.000-37.000 đồng/kg nhưng vẫn còn tương đối thấp, lượng dư thừa trong dân vẫn rất lớn”, ông Tống Xuân Chinh cho biết thêm.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh. |
Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng nêu ra việc tìm đường xuất khẩu là một trong các giải pháp để khắc phục tình trạng dư thừa thịt lợn hiện nay. Theo ông Chinh, thị trường Trung Quốc vẫn rất quan trọng không chỉ với các loại nông sản mà còn cả thịt lợn, thịt gà.
Ông Chinh dẫn thông tin trước kia thịt lợn xuất sang Trung Quốc chủ yếu theo con đường tiểu ngạch, chưa có con đường chính thức. Hiện tại, nước bạn đã siết chặt biên giới và cấm xuất tiểu ngạch. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đang nỗ lực đàm phán với phía bạn để xúc tiến thương mại, tìm đường xuất khẩu chính ngạch dành cho sản phẩm thịt lợn.
Ông Tống Xuân Chinh cho biết vừa qua Bộ NT&PTNT đã cử một đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu sang làm việc với Trung Quốc để xúc tiến thương mại, đưa một số sản phẩm nông sản có thể xuất khẩu chính ngạch. Hai mặt hàng được Việt Nam ưu tiên hiện nay là thịt lợn và sữa.
Cục phó Cục Chăn nuôi hy vọng rằng trong một thời gian nữa, Trung Quốc sẽ chấp nhận thịt lợn của Việt Nam, mở ra cơ hội để giải quyết dư thừa trong nước, cũng như phát triển ngành chăn nuôi.
Một giải pháp tình thế mới cũng được lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết là Bộ NN&PTNT đã gửi văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố dừng xây dựng các nhà máy thức ăn chăn nuôi mới, qua đó phần nào giảm được lượng sản xuất thịt hiện nay.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Tống Xuân Chinh cho rằng ngành chăn nuôi và sản xuất thịt trong nước cần đẩy nhanh nội lực, sử dụng thức ăn nuôi hiệu quả, giảm giá thành, tăng quy mô. Theo ông, năng lực sản xuất so với giá thành của Việt Nam còn thế yếu so với các nước khác. Việt Nam tuy có sản lượng thịt lợn cao nhưng chi phí sản xuất lớn, giá thành cao nên khó cạnh tranh.
Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi hy vọng các doanh nghiệp lớn với vốn và thị trường sẽ là đầu tàu liên kết sản xuất cho bà con nông dân. Cả nước sẽ hình thành nhiều tổ đội hợp tác xã liên kết lại, giảm giá thành xuống, tăng hiệu quả chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Về chiếc lược lâu dài, ông Chinh cho biết cần đổi mới quy hoạch ngành chăn nuôi. “Quan trọng là phải giám sát được quy hoạch, tránh tình trạng khi giá cao thì sản xuất ồ ạt, đến khi giá giảm thì thiệt hại nặng nề”, ông nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của Cục Chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng cần kiên trì, bằng mọi cách khai thông thị trường Trung Quốc. Ông đồng tình với việc người chăn nuôi đang chịu thiệt thòi lớn trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi. Vì vậy, ngoài việc phân phối lại lợi ích trong chuỗi giá trị cần tìm đường xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết Việt Nam đang bắt đầu khai thông từng mặt hàng xuất chính ngạch sang Trung Quốc như gạo, gà, thịt lợn….
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, việc đàm phán để chính thức hóa thị trường chính ngạch không thể một sớm một chiều. Vì vậy, trong khi chờ đợi, chúng ta phải tăng năng lực sản xuất, chú ý an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của phía bạn.