Những cảnh báo về thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra đã rất nghiêm trọng, nhưng theo bà Georgieva thế giới nên chuẩn bị cho "cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoản (kéo dài cả thập kỷ 1930)".
Với gần 89.000 ca tử vong ở 192 quốc gia và vùng lãnh thổ và số ca mắc bệnh hiện đã vượt qua 1,5 triệu người trên toàn thế giới, phần lớn nền kinh tế toàn cầu đã phải ngừng hoạt động để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
"IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chuyển biến tiêu cực vào năm 2020", với 170 trong số 180 thành viên của tổ chức này sẽ ghi nhận sự suy giảm thu nhập bình quân đầu người", bà Georgieva nói.
Trong cuộc họp đầu năm 2020 giữa IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), IMF còn nhận định thu nhập bình quân đầu người của 160 quốc gia sẽ tăng trưởng, tuy vậy dịch bệnh đã khiến mọi số liệu đảo chiều.
"Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn"
Ngay cả trong trường hợp tích cực nhất, IMF chỉ mong đợi kinh tế toàn cầu "phục hồi một phần" vào năm tới, giả sử dịch bệnh sẽ biến mất sau năm 2020, cho phép doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại sau nhiều tháng "đóng băng" sản xuất và kinh doanh.
"Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Có một sự không chắc chắn to lớn xung quanh viễn cảnh và thời gian xảy ra đại dịch", bà Georgieva nói.
IMF sẽ phát hành báo cáo hàng quý Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất vào thứ Ba tuần sau, với những dự báo xám xịt dành cho các nước thành viên trong năm nay và năm tới. Vào tháng 1, IMF dự kiến tăng trưởng toàn cầu tăng 3,3% trong năm nay và 3,4% vào năm 2021.
Còn hiện tại, nền kinh tế Mỹ đã chứng kiến 17 triệu việc làm "bốc hơi" kể từ giữa tháng 3, với dữ liệu hàng tuần mới nhất được công bố hôm thứ Năm cho thấy 6,6 triệu người lao động đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, và các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ thất nghiệp lên đến hai con số trong tháng này.
Ngân hàng Thế giới cho biết hôm thứ Năm rằng đại dịch COVID-19 có thể gây ra cuộc suy thoái đầu tiên ở Châu Phi trong 25 năm.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một hiệp hội ngân hàng toàn cầu, dự kiến GDP toàn cầu sẽ giảm 2,8% , so với mức giảm 2,1% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
"Sự phục hồi phụ thuộc vào các hành động quyết liệt", bà Georgieva nói. "IMF có khả năng cho vay 1 nghìn tỷ USD và đang đáp ứng các lời kêu gọi chưa từng có từ 90 quốc gia để tài trợ khẩn cấp".
Các quốc gia đã thực hiện các động thái trị giá 8 nghìn tỷ USD, nhưng giám đốc IMF kêu gọi các chính phủ làm nhiều hơn nữa.
"Các hộ gia đình và doanh nghiệp phải nắm được cứu trợ để tránh tạo ra một vết sẹo cho nền kinh tế, vốn sẽ làm cho việc phục hồi trở nên khó khăn hơn nhiều", bà Georgieva khẳng định.
IMF đã phê duyệt tăng gấp đôi các khoản vay có trị giá khoảng 100 tỷ USD và đang tiến tới xóa nợ cho các nước nghèo nhất và cũng giúp đỡ các quốc gia có mức nợ không bền vững.
"Các quốc gia phát triển và đang phát triển đều sẽ trải qua triển vọng kinh tế ảm đạm. Cuộc khủng hoảng này không có ranh giới. Mọi người đều chịu tổn thương", bà Georgieva nói.
Giám đốc IMF lưu ý rằng khoảng 100 tỷ USD đầu tư đã rời khỏi các thị trường mới nổi - nhiều hơn gấp 3 lần so với cuộc "tháo chạy" nguồn vốn từng được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.